Liên kết sàn giao dịch BĐS nhóm G5
Ông có thể chia sẻ sâu hơn về ý tưởng cũng như cơ chế hoạt động của liên minh G5?- Không khó để thấy xu hướng trên thế giới và cả ở Việt Nam là các DN cần hợp tác, hỗ trợ nhau để cùng vượt qua khủng hoảng. Tuy nhiên, DN trong nước vẫn chưa nhiều kinh nghiệm và tiềm lực tài chính như DN nước ngoài.
Chính vì vậy các DN cần thiết phải hợp tác, ngồi lại với nhau, để có thể phân chia và đảm nhận việc tư vấn, cung cấp dịch vụ BĐS... một cách chuyên nghiệp cho các dự án lớn mà từ trước đến nay vẫn rơi vào tay DN nước ngoài. Đặc biệt, hiện nay chi phí để hoạt động của một sàn rất cao, với tình hình thị trường khó khăn, sự phối hợp để giảm phí là rất cần thiết.
Liên minh các sàn giao dịch BĐS đầu tiên với tên gọi G5 vừa chính thức được thành lập trên cơ sở hợp tác của 5 DN BĐS thuộc Hiệp hội BĐS Việt Nam: Sàn giao dịch BĐS Sudico, CTCP Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc, Sàn giao dịch BĐS CTCP MAX Việt Nam - MAXLAND, CTCP Đầu tư và Phân phối DTJ và Sàn giao dịch BĐS Châu Á. |
Thay vì một sàn phải mở rất nhiều chi nhánh, nhiều địa điểm để bán hàng, thì nay kết hợp vị trí của nhau để tiết giảm chi phí, chia sẻ khách hàng, chia sẻ cơ hội bán hàng, chia sẻ thông tin…
Khách hàng sẽ được hưởng lợi gì, thưa ông?
- Chúng tôi mong muốn cùng nhau bán hàng để góp phần nâng cao tính thanh khoản, cũng như là một kênh phân phối cho các chủ đầu tư một cách hiệu quả. Ngay trong nội tại của nhóm, cũng có sự cạnh tranh lành mạnh để tạo ra chuẩn mực hơn về dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Bên cạnh đó, khách hàng cũng sẽ tiện lợi hơn trong việc tìm kiếm sản phẩm.
Thí dụ, khách hàng ở đầu này thành phố, thay vì phải chạy đến cuối thành phố để tới được sàn có phân phối sản phẩm mình cần mua, nay họ có đến 5 địa chỉ để tìm đến. Ngoài ra, giá cả cũng sẽ tốt hơn bởi các sàn sẽ dựa trên giá mặt bằng chung, các chủ đầu tư cũng sẽ có một giá cả hợp lý hơn khi sản phẩm BĐS được phân phối nhiều hơn.
Về mặt thông tin, G5 sẽ cung cấp cho khách hàng nhiều dịch vụ, như nghiên cứu, báo cáo thị trường BĐS; tư vấn chiến lược sản phẩm, chiến lược tiếp thị dự án; thẩm định giá, đấu giá BĐS và nhiều dịch vụ khác.
Khách hàng tham quan sàn giao dịch BĐS của CTCP Tấc Đất Tấc Vàng. Ảnh: TR. giang |
Hiện nay các sàn giao dịch BĐS ngoài việc tìm mọi cách cắt giảm các chi phí, cũng có xu hướng ngược lại là tăng cường mở rộng phạm vi hoạt động của mình, ông đánh giá như thế nào về xu hướng này?
- Ở đây cần phải xem xét BĐS là sản phẩm đặc thù, khác với những hàng hóa khác. Hàng hóa này phải đảm bảo được những yếu tố như chi phí, chất lượng, thiết kế, thậm chí văn hóa, tâm linh nên mỗi đơn vị, mỗi DN có cách bán hàng khác nhau.
Tuy nhiên, dù mở rộng hay co hẹp hoạt động trong giai đoạn khó khăn, quan trọng nhất vẫn là vấn đề chất lượng và dịch vụ, đặc biệt với BĐS cái khó là lòng tin. Hiện nay hàng hóa BĐS không còn khan hiếm, nếu không muốn nói là đã khá dồi dào.
Tuy nhiên, nhiều nhưng chất lượng không đảm bảo cũng sẽ không có được lòng tin của khách hàng. Để lấy được lòng tin còn tùy theo nhiều yếu tố: chủ đầu tư phải có tiềm lực tài chính, phải giữ vững cam kết với khách hàng; đơn vị dịch vụ phải lựa chọn những dự án đảm bảo được những cam kết đó để làm sao bàn giao cho khách hàng đúng hẹn.
Ông có kiến nghị gì về mặt chính sách để tháo gỡ khó khăn cho các sàn hiện nay?
- Hiện nay, quy định về sàn của Bộ Xây dựng không phức tạp. Các sàn gần như không phải chịu gánh nặng về mặt chính sách mà chỉ lo gánh nặng về chi phí và thị trường "đóng băng".
Tuy nhiên những sàn duy trì được đến hiện nay đã hoạch định được ngay từ đầu vấn đề chi phí, vấn đề khách hàng cũng như những chuẩn mực trong giao dịch, nên họ vẫn có được khách hàng, giữ được lòng tin đối với khách hàng.
Xin cảm ơn ông.
(Theo ĐTTC)
- 125
- By Admin
- 14/08/2012
- 17