Lãng phí lớn từ vấn nạn quy hoạch “treo”
Đây là sự lãng phí cực kỳ lớn đòi hỏi cần sửa đổi hệ thống luật đất đai trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân.Gần 200 hộ dân ở khu phố 5, phường Tân Thuận Đông, quận 7 vẫn sống trong cảnh “treo” cùng dự án mở rộng cảng Bến Nghé giai đoạn 3. |
Hơn 14 năm qua, người dân ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh đã nghèo lại càng nghèo, vì dự án “treo” ở khu văn hóa sinh thái Vĩnh Lộc. Hiện nơi đây có đến hơn 50% diện tích đất bị bỏ hoang vì dự án. Trước phản ứng quyết liệt của người dân về tình trạng lãng phí đất trên, UBND xã đã cho người dân “được phép” trồng rau… ngắn ngày.
Dự án khu văn hóa sinh thái Vĩnh Lộc đã qua 4 lần thay đổi chủ đầu tư. Tuy nhiên, do một số chủ đầu tư không có năng lực, nên quyền lợi của người dân trong khu vực cũng bị ảnh hưởng. Hiện UBND Tp.HCM đã thu hồi dự án trên và đang tìm chủ đầu tư mới. Trên địa bàn huyện Bình Chánh hiện còn nhiều dự án đã trên 10 năm mà chủ đầu tư chưa đền bù, nhưng huyện xin thu hồi đất cũng không được. Đời sống người dân trong khu quy hoạch “treo” cơ cực, nhà cửa xập xệ, mà không được làm gì.
Tại quận Gò Vấp, người dân ở cù lao ấp Doi cũng phải sống trong điều kiện sống khổ sở vì dự án xây dựng công viên. Từ lúc có quy hoạch đến nay, dự án chưa triển khai bất kỳ hạng mục gì. Tuy vậy, khi người dân sửa chữa nhà cửa hay xây dựng mới, thì lực lượng chức năng xuống cưỡng chế, tháo, đập. Một người dân ở ấp Doi bức xúc: “Dân không biết mặt mũi khu quy hoạch thế nào, chỉ muốn, nếu Nhà nước thực hiện dự án, thì nhanh chóng làm để người dân ổn định. Chính quyền phải hiểu cho nỗi khổ của dân chứ”.
Quy hoạch “treo” đang dẫn đến những thiệt hại kinh tế rất lớn. Mỗi năm Tp.HCM bỏ ra hàng chục ngàn tỷ đồng phát triển giao thông và xây dựng những khu đô thị mới, nhưng cũng có hàng ngàn hộ dân vẫn bế tắc trong việc tìm kiếm chỗ ở vì những dự án quy hoạch “treo”.
Mới đây, UBND Tp.HCM đã ban hành Quyết định 68 cho phép xây dựng đến 5 tầng đối với những khu quy hoạch. Tuy nhiên, khi triển khai về địa phương thì còn vướng mà các đơn vị quận, huyện không thể giải quyết được. Điển hình là khu vực quy hoạch dự án Ga Bình Triệu (quận Thủ Đức). Quyết định 68 cho phép người dân ở khu quy hoạch ga Bình Triệu được xây dựng nhà cao 5 tầng nhưng Ga Bình Triệu nằm ở nội thành, là khu vực phi nông nghiệp. Tuy nhiên, do bị quy hoạch “treo” lâu năm, đất nông nghiệp của dân không thể chuyển mục đích sử dụng được, cũng không trồng cấy gì được nên hầu hết bị hoang hóa. Luật Đất đai 2003 quy định người dân để đất hoang quá 12 tháng sẽ bị thu hồi, tự san lấp bị xử phạt hành chính. Và như vậy, hàng trăm hộ dân ở đây có nguy cơ bị thu hồi đất, bị xử phạt.
Quyết định 68 đã bỏ sót quyền lợi của hàng trăm hộ dân có đất trong khu quy hoạch ga. Người dân muốn xin giấy phép xây dựng tạm theo quy định đối với những công trình nằm trong khu quy hoạch nhà ga, bến xe, trường học cũng không được. Lý do, để được cấp phép thì điều kiện tối thiểu là khu đất đã chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở. Trong khi đó, vì quy hoạch ga nên gần 10 năm qua chính quyền không cho phép người dân làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất.
Theo ông Nguyễn Trọng Hoà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM, mục đích của thành phố khi yêu cầu các quận, huyện làm quy hoạch 1/2.000 là để giữ đất làm đường sá, trường học, bệnh viện, cây xanh… Nhưng thực tế việc lập quy hoạch 1/2.000 của các quận, huyện Tp.HCM vẫn rất khó khăn. Theo báo cáo, quận nào cũng có hiện tượng việc lập quy hoạch bị ách lại vì thiếu quỹ đất dành cho công trình công cộng.
(Theo BTT)
- 0
- By Admin
- 11/04/2011
- 17