• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Lãng phí đất công: Bài toán khó giải

Một số đơn vị đã chọn hình thức liên doanh, liên kết để nâng cao hiệu quả khai thác quỹ đất, quỹ nhà. Hoạt động này phải luôn đảm bảo tính công khai, minh bạch mới đem lại hiệu quả kinh tế.

Theo Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đang quản lý, sử dụng diện tích nhà, đất rất lớn, lên tới 1,5 tỷ m2, giá trị tương đương khoảng 594.000 tỷ đồng. Trong đó, khu vực sự nghiệp công lập chiếm 1,2 tỷ m2, bằng khoảng 80% diện tích. Tuy nhiên, tình trạng đất đai, trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp bị sử dụng lãng phí, thậm chí bỏ không... vẫn đang diễn ra khá phổ biến. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2006 - 2010, tổng vốn đầu tư công ước đạt trên 739 nghìn tỷ đồng, 24% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Điều này đồng nghĩa với việc tỷ trọng vốn Nhà nước đầu tư cho các dự án công rất lớn nên việc quản lý và sử dụng có hiệu quả phần vốn đầu tư này là vô cùng quan trọng.

Lãng phí đất công: Bài toán khó giải | ảnh 1
Nếu không có giải pháp mới nhiều khu đất công chỉ biết dành để trồng cỏ

Xót xa trước tình trạng hao công, tốn của của nhiều dự án đầu tư công, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, phải có giải pháp ưu tiên nâng cao hiệu quả kinh tế với các dự án này. Bởi xét trên tổng thể nền kinh tế, những công trình không đem lại hiệu quả kinh tế sẽ làm cho nguồn lực quốc gia suy kiệt, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của cả nước, đó là chưa kể tới những tác hại về môi trường, lòng tin của người dân. Một chuyên gia kinh tế chia sẻ: “Thật đau lòng khi thấy những cái chợ được xây dựng khang trang nhưng sau nhiều năm vẫn trống không, bảo tàng, nhà văn hóa vắng bóng khán giả, những bến cảng, tàu vào ra lèo tèo, những đường bay thua lỗ triền miên, những trường đại học không tuyển đủ sinh viên… Trong khi đó, với số tiền khổng lồ đã bỏ ra để xây dựng chúng, ta có thể giải quyết được rất nhiều nhu cầu dân sinh bức xúc khác”.

Chia sẻ kinh nghiệm từ hoạt động thực tế, bà Vũ Thị Thu Hương, Phó Giám đốc khu liên hiệp Thể thao quốc gia (TTQG) cho biết, ngoài chức năng tổ chức thi đấu trong nước và quốc tế phục vụ luyện tập và đào tạo vận động viên, khu liên hiệp còn thực hiện liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân cùng khai thác cơ sở vật chất từ các quỹ đất xen kẹt để xây dựng các hệ thống dịch vụ thương mại, ẩm thực. Bà Vũ Thị Thu Hương phân tích: “Các dự án này góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sử dụng khai thác khu liên hiệp TTQG, hỗ trợ phát triển thương mại và quan hệ song phương trong lĩnh vực kinh doanh, văn hoá thể thao và du lịch, tạo nguồn thu cho khu liên hiệp. Từ đó, khu liên hiệp có kinh phí đầu tư các hạng mục công trình, giảm bớt gánh nặng đầu tư từ ngân sách Nhà nước”.

Theo tính toán của Cục Quản lý công sản, nếu tính đúng, thu đủ và có cơ chế buộc phải sử dụng đất hiệu quả thì mỗi năm ngân sách Nhà nước có thể thu được khoảng 5 tỷ USD (tương đương 100.000 tỷ đồng/năm). Ông Trần Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết, trong số các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, thì việc cho phép các đơn vị sự nghiệp được liên doanh, liên kết đúng chức năng, nhiệm vụ để đa dạng hóa việc sử dụng nguồn lực của Nhà nước, tăng thu cho ngân sách là chủ trương hoàn toàn đúng, góp phần giảm đầu tư công.

TS. Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội lưu ý, đó chỉ là khai thác thêm, tận dụng nền cơ sở vật chất hiện có, chứ không phải đơn vị sự nghiệp được sinh ra để làm việc đó. Đương nhiên, trước đây, nếu không cho đơn vị sự nghiệp làm thì đất đai đó cũng không sinh lợi, rất lãng phí.

(Theo ANTĐ)

  • 119
  • By Admin
  • 19/06/2012
  • 17