Làm theo luật vẫn bị ngừng
Giao dịch của người dân bị ách tắc vì một lý do hoàn toàn không có cơ sở và mặc nhiên là vi phạm Luật Công chứng đang có hiệu lực thi hành. Nếu ngành thuế thấy các trường hợp UQCC là để “lách luật” nhằm trốn thuế TNCN thì phải kiến nghị cơ quan thẩm quyền sửa luật. Không thể dùng “quyền” của ngành mình đặt cao hơn luật, gây xáo trộn cuộc sống người dân.Muôn vạn... nội dung uỷ quyền công chứng
Khi chưa có Luật Công chứng thì người dân giao dịch mua bán ( chủ yếu là nhà đất) bằng hợp đồng viết tay, có người làm chứng giao dịch này. Khi có xảy ra kiện cáo hay tranh chấp thì hợp đồng viết tay này vẫn được các cơ quan chức năng coi là cơ sở có giá trị pháp lý để giải quyết vụ việc.Từ ngày 1.1.2007, Luật Công chứng có hiệu lực thi hành, người dân quen với việc “công chứng” vì đây cũng là cơ sở pháp lý được pháp luật công nhận nếu có tranh chấp cần giải quyết. Đối với các trường hợp chuyển nhượng BĐS, vì căn hộ hoặc đất chưa được cấp sổ đỏ nên cả bên mua và bán đều không thể làm hợp đồng mua bán có công chứng. Vì vậy, cả hai bên đều thống nhất là giao dịch thông qua UQCC. Sau khi có hợp đồng UQCC thì người ủy quyền giao toàn bộ giấy tờ có liên quan cho người được ủy quyền. Người được ủy quyền được thay mặt người ủy quyền thực hiện các quy định của pháp luật.
Trong thực tế, vì Luật Công chứng mới ban hành nên nhiều người dân không biết đến các “loại” được ủy quyền. Có hợp đồng UQCC chỉ nằm trong giới hạn người được ủy quyền hoàn tất các thủ tục để làm sổ đỏ căn hộ hoặc mảnh đất hai bên đang giao dịch. Có hợp đồng UQCC lại công nhận người được ủy quyền được định đoạt tài sản của người ủy quyền. Có hợp đồng UQCC lại giới hạn thời gian, nhưng cũng có hợp đồng thì lại không giới hạn thời gian.
Theo phản ánh của ông Nguyễn Văn Đồng, do người dân không hiểu hết nên nội dung hợp đồng phụ thuộc vào hướng dẫn của công chứng viên. Trường hợp ông và người bạn cùng mua hai căn hộ trong khu chung cư, nhưng hàng xóm của ông có người quen là công chứng viên, nên hợp đồng đó thể hiện, người được ủy quyền được quyền định đoạt tài sản của người ủy quyền.
Như vậy, hợp đồng ủy quyền công chứng là văn bản pháp lý được luật pháp công nhận sự thỏa thuận của hai bên: Người ủy quyền và người được ủy quyền.
Trong suốt thời gian dài, người dân mua căn hộ chung cư hoặc đất tại các đô thị mới gặp rất nhiều khó khăn trong việc làm sổ đỏ do nhiều lý do, lúc thì nhà nước thay mẫu giấy chứng nhận, khi thì chủ đầu tư chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý dự án... nên nhiều người đã mua nhà cả gần chục năm trời, khát khao được cầm sổ đỏ mãi mà vẫn không được. Trong khi chủ đầu tư thì lơ là việc làm sổ đỏ, mặc dù văn bản pháp lý của Nhà nước có quy định.
Người dân đi gõ hết cả công sở này đến công sở khác mà vẫn phải mòn mỏi chờ đợi, trong khi đó với những gia đình có kinh tế thì họ sẵn sàng bỏ tiền làm dịch vụ. Vì vậy, sổ đỏ ở các khu chung cư mới vẫn là vấn đề nóng trong xã hội mà vẫn chưa có hướng tháo gỡ khó khăn cho người dân.
Người dân bức xúc
Ông Nguyễn Tấn Kha (Cầu Giấy) bức xúc: Tôi mua căn hộ chung cư, vì người bán chưa có sổ đỏ nên hai bên phải làm hợp đồng công chứng. Người bán ủy quyền cho tôi thay họ hoàn tất các thủ tục pháp lý để căn hộ có sổ đỏ. Khi có được sổ đỏ thì hai bên mới có cơ sở pháp lý để thực hiện hợp đồng mua bán căn hộ. Tôi đang bắt đầu làm thủ tục dù thực tế đã mua căn hộ này được 6 năm rồi - tuy nhiên qua Truyền hình VN tối 6.3, tôi mới hay việc Cục Thuế Hà Nội quyết định dừng không hoàn tất thủ tục thuế cho những hồ sơ có UQCC. Trong trường hợp của tôi, tôi chỉ nhận ủy quyền đi hoàn tất hồ sơ thay người ủy quyền, thế nhưng cũng bị ngừng có đúng không?Ông Trần Đắc Minh (Thanh Xuân) bất bình, như vậy chỉ mỗi Cục Thuế Hà Nội là quyết định dừng không hoàn tất thủ tục thuế để cấp sổ đỏ cho người dân, vậy các địa phương khác sao họ không làm. Đồng thời việc dừng của ngành thuế Hà Nội cũng phải thông báo là ngừng đến bao giờ, không thể bắt người dân phải ngóng... Là người dân tôi không bàn tới tính pháp lý của việc Cục Thuế Hà Nội cho tạm dừng chờ cấp trên hướng dẫn, tôi đề nghị Cục Thuế Hà Nội chỉ nên dừng những trường hợp mà ngành thuế thấy nghi ngờ là ủy quyền để trốn thuế TNCN, đó là trường hợp UQCC định đoạt, còn những trường hợp mà chủ UQCC để hoàn tất thủ tục chỉ dừng ở mức cấp số đỏ (UQ trực tiếp, không có đối tượng thứ ba) thì không nên dừng những hồ sơ ở dạng này.
Cục Thuế Hà Nội nên nhanh chóng triển khai việc hoàn tất thủ tục thuế cho hồ sơ nhà đất có UQCC. Theo Điều 2 Luật Công chứng, hợp đồng UQCC mà bên uỷ quyền và bên được uỷ quyền đã làm đúng luật thì đã được công nhận về tính pháp lý.
(Theo Lao dộng)
- 0
- By Admin
- 08/03/2011
- 17