Làm thế nào để lấy lại chủ quyền nhà?
Nhà chúng tôi có tám anh em (ba trai, năm gái). Năm năm trước, khi làm giấy tờ sở hữu nhà đất, anh em tôi tin tưởng giao cho người anh cả đứng tên chủ quyền.
Chúng tôi nghĩ có sang nhượng gì thì anh cả cũng không làm được nếu không có sự đồng ý của các thành viên trong gia đình. Nhưng trong một năm nay, anh tôi có ý để thừa kế căn nhà lại cho con và nói chúng tôi không có quyền gì trong căn nhà đó cả. Chúng tôi rất buồn và thất vọng vì đã lầm khi đặt lòng tin vào người anh cả. Xin hỏi anh em chúng tôi phải làm cách nào để nhà cha mẹ không bị anh cả độc chiếm và nếu có sang bán thì cũng phải công bằng chia đều cho tám anh em? T.V.L.
Trả lời
Vì thư của bạn không nêu rõ một số chi tiết nên tôi trả lời chung như sau:
1. Trường hợp có chứng cứ hợp pháp chứng minh được căn nhà trên là tài sản chung của cha mẹ bạn và ông bà không có sự thỏa thuận nào về việc phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, sau khi mẹ của bạn chết, anh cả đứng tên trên giấy chủ quyền này là với tư cách đại diện cho các đồng thừa kế được thừa kế phần căn nhà này từ mẹ của bạn thì việc anh cả có ý độc chiếm căn nhà trên là trái quy định pháp luật về nhà ở, đất ở, quyền sở hữu tài sản và quyền thừa kế.
Nếu mẹ bạn không để lại di chúc và các bên không thỏa thuận được với nhau thì cha và anh chị em bạn (gọi tắt là gia đình bạn) có quyền yêu cầu anh cả phân chia di sản của mẹ bạn. Về nguyên tắc chung, nửa căn nhà trên thuộc quyền sở hữu của cha bạn; nửa còn lại thuộc sở hữu chung của mẹ và tám anh chị em của bạn, mỗi người được một phần bằng nhau. Nếu anh cả không đồng ý phân chia căn nhà trên thì gia đình bạn có quyền khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
2. Trường hợp không có chứng cứ hợp pháp chứng minh được căn nhà trên là tài sản chung của cha mẹ bạn, cũng không chứng minh được anh cả của bạn chỉ là người đại diện đứng tên trên giấy chủ quyền thì coi như anh cả của bạn là chủ sở hữu căn nhà trên. Khi đó, anh cả có quyền sử dụng, định đoạt, để lại thừa kế căn nhà trên theo ý chí của mình, miễn là không gây thiệt hại, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác (điều 164, 165, 631 Bộ luật dân sự năm 2005).
Luật sư Nguyễn Bảo Trâm
(Theo TTO)
- 342
- By Admin
- 04/05/2012
- 17