Làm sổ hồng, tách thửa: Tắc vì những quy định bất khả thi
Tắc do… chờ hướng dẫn!Nhiều hộ dân muốn tách thửa nhưng gặp khó khăn do những quy định bất khả thi. Ảnh: Tùng Quang |
Mang phiếu chuyển của huyện đồng ý cho phép chuyển đất nông nghiệp thành đất ở đến chi cục thuế huyện để làm thủ tục đóng tiền sử dụng đất, ông Trần Văn Kha, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn được thông báo: “Nhận thì vẫn nhận, nhưng chưa biết khi nào mới tính được tiền sử dụng đất”. Lý do, chi cục thuế đang chờ hướng dẫn về giá đất. Tương tự, ông Trần Đăng Khoa, ở quận Tân Bình cho biết, ông mua một lô đất rộng 64m2 bằng giấy tay của một cán bộ quận Tân Bình được Nhà nước giao đất vào năm 1994. UBND quận Tân Phú đã làm xong thủ tục cấp giấy hồng cho ông, nhưng khi hồ sơ đến chi cục thuế quận Tân Phú thì bị ách lại. Cán bộ chi cục thuế trả lời rằng, trường hợp của ông phải đóng tiền sử dụng đất theo giá thị trường. Mà giá thị trường hiện nay chưa có, nên phải chờ văn bản hướng dẫn của cấp trên.
Theo quy định của nghị định 69 về giá đất, trường hợp Nhà nước giao đất không qua đấu thầu, mà thời điểm giao đất, giá đất do UBND tỉnh, thành phố ban hành chưa sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường, UBND tỉnh, thành phố căn cứ vào giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường để xác định lại giá đất cụ thể cho phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay, cơ quan có thẩm quyền chưa có hướng dẫn cụ thể trình tự thủ tục xác định giá đất thị trường cho các quận, huyện, nên chưa thể xác định số tiền sử dụng đất phải đóng cho người dân nằm trong các trường hợp này.
Chính vì chưa có hướng dẫn, nên gần đây, nhiều chi cục thuế các quận, huyện tại Tp.HCM cho biết không thể thu tiền sử dụng đất đối với trường hợp người dân được giao đất, hoặc chuyển mục đích sử dụng đất có diện tích vượt hạn mức đất ở. Theo một cán bộ chi cục thuế quận Thủ Đức, hiện đơn vị này chưa thể thu tiền sử dụng đất đối với trường hợp người dân được giao đất, hoặc chuyển mục đích sử dụng đất có diện tích vượt hạn mức đất ở (200m2) vì chưa được hướng dẫn cách tính tiền sử dụng đất theo giá thị trường.
Vướng mắc do “tách thửa”
Theo tìm hiểu của Sài Gòn Tiếp Thị, người dân tại các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh đã đề nghị UBND thành phố xem lại quyết định 19 quy định về diện tích đất tối thiểu sau khi tách thửa đã gây khó cho người dân có diện tích đất nhỏ. Theo quyết định 19, nếu thửa đất có diện tích từ 1.000m2 trở xuống, thì phải thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sang đất ở, sau đó thực hiện tách thửa. Nếu thửa đất có diện tích lớn hơn 1.000 – 2.000m2, cũng phải chuyển đổi mục đích sang đất ở, và phải có phương án đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Khi cơ sở hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư và có nghiệm thu của UBND quận, huyện, thì mới thực hiện thủ tục tách thửa.
Theo lãnh đạo huyện Củ Chi, ở huyện còn tồn tại phần lớn những thửa đất trên dưới 1.000m2, nhưng chỉ có khoảng 50m2 xây nhà, còn lại trồng cây ăn trái, hoặc đất nông nghiệp. Do vậy, nếu muốn tách thửa, thì phải chuyển mục đích sử dụng của toàn bộ thửa đất trên sang đất ở, điều này quá khó đối với người dân. Ông Trần Văn Út, ngụ tại huyện Bình Chánh, có một thửa ruộng hơn 3.000m2, ông Út muốn tách khoảng hơn 100m2 để xây nhà cho con, nhưng theo quyết định 19, ông phải xin chuyển toàn bộ sang đất ở, thì mới được tách thửa. Do đó, nếu chuyển đổi mục đích, ông Út phải đóng thuế chuyển mục đích sử dụng đất với số tiền quá lớn, nên sau nhiều năm, việc tách thửa của ông Út không thực hiện được.
Trước những vướng mắc này, sở Tài nguyên và môi trường Tp.HCM đang lấy ý kiến của các sở ngành có liên quan và UBND các quận, huyện để điều chỉnh cho phù hợp.
Quy định còn nhiều bất cập Đại diện phòng tài nguyên và môi trường huyện Bình Chánh cho biết, quy định những thửa đất có diện tích 1.000 – 2.000m2 muốn tách thửa có hình thành đường giao thông, người dân phải thực hiện phần hạ tầng kỹ thuật như: đường giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước, điện… thì người dân khó có thể thực hiện. Còn theo phòng tài nguyên và môi trường quận Tân Phú, ở quận vẫn có trường hợp người dân bỏ tiền làm hạ tầng, nhưng với những thửa đất lớn, người dân khó kham nổi vì phải cần từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng. |
(Theo SGTT)
- 0
- By Admin
- 17/11/2010
- 17