Làm sao để đòi lại được 33% tiền mua căn hộ?
Tôi không rõ cụ thể thế nào là làm xong phần móng, nhưng đến nay tôi đã góp được hơn 33% giá trị căn hộ mà vẫn chưa thấy phần móng hoàn thành.
Xin hỏi, như vậy phía bán nhà có vi phạm quy định về điền kiện huy động vốn thông qua việc bán nhà ở hình thành trong tương lai không? Tôi có thể khởi kiện để đòi lại số tiền hơn 33% giá trị căn hộ mà mình đã đóng?
Mong được tư vấn. Cảm ơn.
Nguyen Thanh
Trả lời
Về nguyên tắc theo quy định của Luật nhà ở thì điều kiện để nhà ở được phép mua bán, giao dịch là có giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở theo quy định của pháp luật; không có tranh chấp về quyền sở hữu; không bị kê biên để thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tuy nhiên, hiện nay theo quy định của nghị định số 71/2010/NĐ-CP và thông tư số 16/2010/TT-BXD hướng dẫn thi hành Luật nhà ở thì trường hợp chủ đầu tư dự án phát triển khu nhà ở, dự án khu đô thị mới có nhu cầu huy động vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đối với phần diện tích xây dựng nhà ở và đầu tư xây dựng nhà ở trong khu nhà ở, khu đô thị đó thì được huy động vốn từ tiền mua nhà ứng trước của các đối tượng được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật nhà ở thông qua hình thức ký hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Khi huy động vốn theo hình thức này chủ đầu tư chỉ được ký hợp đồng mua bán nhà ở sau khi đã có thiết kế kỹ thuật nhà ở được phê duyệt, đã xây dựng xong phần móng của nhà ở, đã hoàn thành thủ tục mua bán qua sàn giao dịch bất động sản theo đúng quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản và đã thông báo cho sở xây dựng nơi có dự án phát triển nhà ở theo quy định.
Quy định xây dựng xong phần móng của công trình nhà ở nêu trên được áp dụng cho các loại nhà ở (bao gồm nhà biệt thự, nhà ở riêng lẻ, căn hộ chung cư, kể cả công trình nhà ở có mục đích sử dụng hỗn hợp).
Trong trường hợp chủ đầu tư áp dụng biện pháp thi công top-down (thi công các sàn trên của công trình nhà ở trước khi thi công phần đài giằng móng hoặc trước khi thi công mặt bằng sàn của tầng thấp nhất của công trình) theo phương án thiết kế đã được phê duyệt thì chủ đầu tư chỉ được bán nhà ở sau khi đã thi công xong mặt bằng sàn đầu tiên của công trình nhà ở nhưng phải có biên bản nghiệm thu kỹ thuật về việc xây dựng xong mặt bằng sàn này theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Như vậy, đối chiếu với các quy định chúng tôi nêu trên, nếu trường hợp của bạn thể hiện chủ đầu tư chưa hoàn thành phần móng theo quy định thì việc giao kết hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai với bạn là trái luật và từ đó bạn có thể yêu cầu chủ đầu tư đã nhận tiền trả lại tiền cho bạn hoặc bạn có thể khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền để được giải quyết việc đòi lại tiền đã nộp.
Luật sư Lê Cao (www.fdvn.vn)
- 243
- By Admin
- 25/02/2014
- 17