Làm sang với kính
Kính trong xây dựng không chỉ trang trí, làm vách mà còn ứng dụng cho lan can, bậc cầu thang... Ảnh: SGTT
Giới trong ngành cho rằng, cửa trong nhà phố chiếm khoảng 30 – 40% diện tích mặt tường lộ ra môi trường tự nhiên “và hầu hết đều ốp kính, ngay cả mốt thời thượng làm cả lan can, cầu thang cũng là kính”. KTS Đặng Phước Toàn, nhận định thêm, mặc dù giá kính cao gấp hai, ba lần so với các nguyên liệu khác như gỗ, sắt, nhôm… nhưng nhờ “có đặc tính xuyên sáng, sang trọng, không gỉ sét, không co nhót nên nó đang là mốt trên thị trường xây dựng”.
Với các toà nhà văn phòng, công trình công cộng, công ty, nhà hàng… thì việc sử dụng kính xây dựng có tỷ lệ trong thiết kế còn cao hơn nhiều. Nhà ở dân dụng có tỷ lệ sử dụng kính thấp hơn “nhưng cảm nhận qua thị giác nó thoáng, tạo được không gian mở và góc nhìn tốt hơn nên ngay cả cầu thang cũng xài kính cường lực”, KTS Bùi Tiến Huy nói. Trong năm qua công ty này đã thiết kế hai căn, mỗi căn chừng trên dưới 1 tỉ đồng nhưng tiêu thụ “khoảng gần 100 triệu đồng tiền kính cho một công trình”.
Theo hiệp hội Kính xây dựng Việt Nam (Vieglass) cho biết, nhu cầu sử dụng kính đang tăng mạnh, trung bình tăng 8 – 10% mỗi năm. Dự báo đến năm 2016 cả nước cần 178 triệu m2 kính/năm, trong khi năm 2007 tiêu thụ trên cả nước chỉ khoảng 95 triệu m2.
Kính các loại đang được ứng dụng cho nhiều hạng mục công trình nhờ sản phẩm sau kính – kính cường lực – kính an toàn không dễ vỡ, có tính chịu lực và sốc nhiệt cao. Với kính này, nếu có sự cố, kính sẽ vỡ thành những hạt nhỏ; hoặc công nghệ phim, dán hai tấm kính lại, nếu va chạm, kính sẽ không vỡ ra rơi xuống. Ngoài ra, còn có kính màu, kính uốn cong, kính tạo hoa văn hoạ tiết, kính cách nhiệt, kính phản quang… từ đó mà tính ứng dụng phong phú.
Thế nhưng, theo KTS Nguyễn Văn Châu, kính có những hiệu ứng tốt trong xây dựng và mặt trái của nó cũng cần lưu tâm như vấn đề an ninh, khí hậu và bảo trì. Nếu không khéo xử lý trong thiết kế và ứng dụng, nhiều khi phản tác dụng – hiệu ứng nhà kính, sẽ bị bí, nóng vì thiếu sự thông thoáng tự nhiên.
(Theo SGTT)
- 297
- By Admin
- 15/09/2010
- 17