• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Lạm dụng kính trong xây dựng: Gây hại cho sức khỏe

Lãng phí về năng lượng

Theo TS.KTS Ngô Doãn Đức - Viện trưởng Viện Kiến trúc, kính là vật liệu không thể thiếu trong xây dựng và kiến trúc. Việc dùng kính trong xây dựng giúp cho ánh sáng mặt trời phát tán trực tiếp vào nhà ở, tạo cảm giác không gian rộng, thoáng, không bị bưng bít, hạn chế tầm nhìn.

Tuy nhiên, dùng nhiều kính trong xây dựng với hình thức phô trương mà không nghiên cứu, thường để lại những hệ lụy, trong đó có hiệu ứng nhà kính. Ở nhiều cao ốc, văn phòng, mục đích dùng kính để làm đẹp mặt ngoài và khai thác ánh sáng nhưng thực tế, điều này lại gây chói mắt và nóng nên người ta phải kéo rèm, bật điều hòa, bật điện chiếu sáng...

Lạm dụng kính trong xây dựng: Gây hại cho sức khỏe
Việc dùng nhiều tấm kính lớn trong xây dựng đang trở nên phổ biến.

Do đó, những phòng kính đẹp biến thành những hộp kính tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Lượng khí nóng thải ra từ các máy điều hòa cũng gây ảnh hưởng đến môi trường.

TS Nguyễn Văn Muôn, nguyên chủ  nhiệm Bộ môn Vật lý Môi trường, Đại học Kiến trúc Hà Nội cũng cho rằng: Ở những nước nhiệt đới như Việt Nam với khí hậu nóng ẩm, việc chạy theo "trào lưu nhà kính", dùng những mảng kính lớn trong kiến trúc và xây dựng gây lãng phí lớn về năng lượng và phá hoại môi trường.

Gây hại cho sức khỏe

TS Nguyễn Văn Muôn cho biết, nhà kính là sản phẩm của các nước hàn đới dùng để thiết kế phòng ấm. Lúc đầu, với tác dụng bảo ôn của kính, người ta dùng kết cấu kính thép để xây phòng nhiệt, phun hơi ẩm tạo "mưa nhiệt  đới".

Tuy nhiên, những nhà kính loại này phản sinh thái và phản khí hậu. Kính có thể cho ánh sáng mặt trời sóng ngắn xuyên vào phòng. Sự bức xạ nhiệt trong phòng lại là bức xạ sóng dài không dễ thoát ra khiến sự tích nhiệt trong phòng càng nhiều, gây ra hiệu ứng nhà kính. Nếu sử dụng quá mức các tấm kính mảng lớn sẽ gây lóa cho lái xe, người đi bộ và còn phản xạ nhiệt mạnh ra xung quanh.

Đối với nhà ở Việt Nam, giải pháp giữ nhiệt và che nắng tốt nhất lại không gây lãng phí năng lượng là tường đặc chứ không phải kính. Cho dù hiện nay, với tiến bộ kỹ thuật, người ta đã chế tạo được những loại kính cách nhiệt tốt cũng như có tính năng che nắng cao như kính phủ Low-E.


Lạm dụng kính trong xây dựng: Gây hại cho sức khỏe 1
Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh việc mở rộng cửa kính chưa chắc tận dụng được nhiều ánh sáng tự nhiên.

Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh việc mở rộng cửa kính chưa chắc tận dụng được nhiều ánh sáng tự nhiên. Bởi khi dùng kính, sự phân bố ánh sáng tự nhiên không đều: Chỗ gần cửa sổ thì quá chói chang, xa hơn thì rất tối khiến cho hoạt động thị giác căng thẳng, gây mỏi mệt nhanh chóng cho toàn bộ hệ thần kinh nói chung.

Đối với những loại kính có độ phản xạ cao lại làm giảm độ xuyên sáng của bức xạ khả kiến (là ánh sáng nhìn thấy, giúp mắt người nhìn thấy sự vật) chỉ còn 8%.

Hơn nữa, kính bị phơi dưới nắng hè có thể lên tới 50độC - 60 độC, trong những phòng có sử dụng điều hòa sẽ tạo ra sự chênh lệch nhiệt độ so với mặt tường tới 20độC - 30độC,  gây hiện tượng bức xạ nhiệt không đều. Người ngồi trong nhà dễ bị co dãn mạnh ở các mạch máu trong cơ thể, nhức xương, dễ gây bệnh khí lạnh làm cho thể hư khí nhược.
 
Hạn chế diện tích mặt kính, tránh gây bức xạ nhiệt

Nên hạn chế diện tích mặt kính để tránh gây bức xạ nhiệt cho môi trường xung quanh. Dùng diện tích mặt kính quá lớn sẽ tạo độ lóa, làm sai lệch tầm nhìn của người đi đường. Đối với khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam, nên dùng kính theo kiểu trong kính ngoài chớp, mát về mùa hè và ấm về mùa đông mà vẫn đảm bảo được ánh sáng và không gian mở.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên giám đốc Sở QH&KT Hà Nội

Theo KH & ĐS
  • 295
  • By Admin
  • 12/05/2010
  • 17