• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Làm bạn với tre

Đã đi nhiều và sống ở nhiều nơi trên thế giới nhưng căn hộ của ông rất tinh tế tinh thần Việt, giản dị mà tình cảm cùng những vật dụng thú vị được ông mang về từ nhiều nơi. KT&ĐS tham quan căn hộ nhỏ của ông và một cuộc trò chuyện nhỏ sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về KTS Mai Thế Nguyên.

- Được biết ông là người sinh ra và lớn lên ở phố cổ, quay trở lại Việt Nam tại sao ông lại chọn căn hộ tập thể này? Kiến trúc, cuộc sống sinh hoạt ở đây giờ ông thấy thế nào?

Vâng tôi sinh ra và lớn lên tại phố Hàng Ngang. Qua Pháp năm 1953 và trở lại sống ở Hà nội năm 2006 khi tôi về hưu, sau 40 năm làm kiến trúc tại Na Uy. Cũng phải vất vả hơn ba năm mới mua được căn hộ trong tập thể bộ Y tế. Tôi có người quen ở đây, và địa chỉ cũng thuận tiện, không xa trung tâm Phố cổ lắm. Khu Giảng Võ ăn uống thoải mái, giờ nào cũng có.

- Nói riêng về căn hộ này, tiêu chí ông đưa ra với tư cách là một kiến trúc sư khi thiết kế nó là gì?

Căn hộ đã được cải tiến lại: bếp, phòng ăn, nội thất nói chung. Vợ chồng tôi – vợ tôi cũng là kiến trúc sư – đã thiết kế tất cả bàn ghế, giường tủ, chọn màu sắc. Đặc biệt bố trí không gian gọn gàng, sạch sẽ. Nhà Việt Nam thường luộm thuộm quá nhiều đồ đạc không cần thiết. Theo tôi, cái gì không để được vào tủ thì không nên có.

- Trong nhà có nhiều đồ vật nhỏ trang trí thú vị, ông có thể kể những câu chuyện nhỏ về chúng?

Vâng, tôi là người đi nhiều châu lục, nhiều nước trên thế giới. Vì vậy có nhiều kỷ niệm nơi này nơi kia. Những cái nho nhỏ thôi. Nhà tôi chẳng có gì đáng giá, ngoài giá trị tình cảm. Như bức tranh anh Bùi Xuân Phái vẽ tôi năm 1975, bức chân dung hai vợ chồng do anh bạn Na Uy vẽ, mấy cái đàn. Lọ cắm hoa của KTS Phần Lan Alvar Aalto thiết kế từ năm 1936, nổi tiếng khắp thế giới. Mấy tranh của Paul Gauguin, Edvard Munch do Hàng Trống chép lại. Bên NaUy tôi có mười mấy tranh của Bùi Xuân Phái.

- Am hiểu về kiến trúc Hà Nội, từng là tác giả của cuốn sách tiếng Anh Hanoi Architecture, ông nhận xét thế nào về kiến trúc Hà Nội ngày nay?

Kiến trúc nói riêng, văn hoá nói chung của Hà Nội rất đa dạng. Cũ có, mới có. Phố Cổ là hòn ngọc của Hà Nội, quyến rũ đối với khách nước ngoài. Phải duy trì nó thì Hà Nội mới hấp dẫn. Kiến trúc hiện đại (thế kỷ 21) của Hà Nội thì phải để có nhiều thời gian hơn mới nên đánh giá được. Hiện nay tôi thấy nó vô hồn, không thân thiện, như khu Mỹ Đình hay những toà nhà cao tầng do nước ngoài đầu tư và thiết kế. Vài căn nhà đẹp không làm ra được một thành phố đẹp. Thành phố đẹp phải có lịch sử, văn hoá, con người và nếp sống đẹp.

- Và lời khuyên dành cho các kiến trúc sư trẻ?

Hà Nội đang dần dần mất vẻ thân thiện, vì nếp sống lộn xộn, giao thông ùn tắc. Môi trường ngày nay xấu hơn hôm qua, ngày mai xấu hơn hôm nay. Các bạn kiến trúc sư trẻ nên quan tâm đến môi trường sống của người dân. Làm kiến trúc có lợi cho dân, đem cái thuần tuý của văn hoá Việt Nam vào kiến trúc Việt Nam. Chẳng cần bắt chước Tây.

- Trong ngôi nhà này cũng như trong một số thiết kế gần đây của ông, vật liệu tre rất được ưu ái. Tiềm năng của ứng dụng tre trong kiến trúc nội thất ông thấy thế nào?

Trên thế giới người ta đã phát hiện tre là một vật liệu xây dựng tuyệt vời. Tre là vật liệu tự nhiên, truyền thống của ta. Tre Việt Nam rất nhiều, có ưu điểm mọc nhanh, chỉ hai năm là đã đạt yêu cầu để chế biến. Nay chúng ta đã làm được tre công nghiệp, một sản phẩm thân thiện với môi trường, có tương lai thay thế gỗ.

- Ngoài kiến trúc ông còn quan tâm đến những loại hình nghệ thuật nào?

Kiến trúc sư thường là người có tầm nhìn tổng quát, đa năng. Ngoài ngành nghề tôi rất quan tâm đến nghệ thuật nói chung, đàn – nhạc, văn học, chính trị cũng như cảm nhận được niềm hạnh phúc của những người xung quanh.

Chiếc bàn gỗ và những chiếc ghế ăn có hình thức và kết cấu mạch lạc do vợ chồng KTS Mai Thế Nguyên thiết kế. Chiếc đèn treo bàn ăn đầy sáng tạo từ mũ lá cũng do chính tay ông làm.

Hình Modulor được chính KTS Mai Thế Nguyên vẽ lên chiếc tủ ngay lối vào, vừa để trang trí vừa như chủ đề chung cho thiết kế của căn hộ này. Ảnh bên: Mỗi món đồ đều là một kỷ niệm, chúng được mang về đây từ nhiều nơi trên thế giới: lọ cắm hoa của KTS Phần Lan Alvar Aalto nổi tiếng khắp thế giới, chiếc thùng đựng dụng cụ y tế được dùng cho quân đội Na Uy…

Căn hộ được cải tạo thành không gian mở cho khu vực khách – bếp – ăn. Với tiêu chí thiết kế gọn gàng, những chiếc ghế được thiết kế tận dụng làm nơi chứa đồ. Vật liệu được lựa chọn cho đồ nội thất là tre và gỗ, thân thiện mà tình cảm. Tất cả mọi vật dụng nội thất trong căn hộ đều được thiết kế theo tỷ lệ modulor.

  • 235
  • By Admin
  • 13/08/2013
  • 17