Lại chuyện mua đất "dịch vụ": Bài học cho các Thượng đế
Muốn có đất, phải thêm tiềnNghe phong thanh đất dịch vụ sắp được giao, anh Nguyễn Thế Hùng (quận Đống Đa) khấp khởi vào ngay Hà Đông để hỏi giấy tờ miếng đất dịch vụ tại phường Dương Nội đã mua từ hồi cuối năm 2008. Chủ đất cũ - người đứng tên trong danh sách được giao đất của UBND phường Dương Nội - thừa nhận đã đóng tiền làm hạ tầng và đang chờ quyết định giao đất chính thức. Cùng với đó, ông này cũng đánh tiếng đề nghị anh Hùng tạm chi thêm 200 triệu đồng để làm giấy tờ chuyển tên! “Mua miếng “đất ảo” 50 m2 với giá hơn 1 tỷ đồng đã được hơn 2 năm nhưng tôi chào bán mãi mà không được. Giờ “nó” bắt chi thêm 200 triệu đồng để làm giấy tờ, tôi có thể chi. Nhưng không biết đã phải lần chi cuối cùng chưa hay tới khâu nào đó, “nó” lại vòi thêm mấy trăm triệu nữa thì chết...” - anh Hùng cay đắng.
Trường hợp của anh Hùng còn may mắn bởi vẫn còn cơ hội nhận đất. Hiện nay, không ít người trót mua đất dịch vụ còn đang đứng trước nguy cơ không có đất để nhận. Mới đây, viễn cảnh “ôm” đất dịch vụ sẽ có lời lớn của không ít người đã tắt ngóm bởi theo thông báo của UBND xã An Khánh, thực tế có đến 60% diện tích đất dịch vụ tại thôn Vân Lũng chưa được GPMB (do phần lớn số diện tích này đã bị người dân đua nhau lấn chiếm xây dựng nhà trái phép kiên cố từ nhiều năm nay).
Các trung tâm nhà đất ngay tại phường Dương Nội, Hà Đông đóng cửa suốt ngày (Ảnh chụp chiều 9-6-2011) |
Để giải quyết những trường hợp này, địa phương đang đề xuất UBND huyện Hoài Đức khấu trừ diện tích đất lấn chiếm vào số đất dịch vụ mà các hộ dân sẽ được quyền hưởng. Do đó, sẽ có hộ gia đình không được hưởng thêm m2 đất dịch vụ nào vì đã trót lấn chiếm đất nông nghiệp làm nhà từ lâu nay. Nếu huyện chấp nhận, những hộ này sẽ không biết lấy đất dịch vụ ở đâu để trả cho những người đã trót mua.
Nói về rủi ro khi mua đất dịch vụ, ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng Ban chỉ đạo GPMB TP Hà Nội phân tích: “Không phải người nông dân nào cũng được nhận 40-50 m2 đất dịch vụ như rao bán. Nguyên tắc là chỉ được giao 10% diện tích đất bị thu hồi nên có những hộ dân chỉ có 15-20, thậm chí là 10m2. Nếu mua phải đất của các hộ này thì có đất đấy mà chẳng làm gì được bởi diện tích quá nhỏ. Tất nhiên, người dân có thể hợp khối nhưng câu chuyện mua bán sẽ phức tạp hơn rất nhiều...”.
Điểm lại các dự án đất dịch vụ ở Mê Linh, Hà Đông, Hoài Đức... ông Nguyễn Đức Biền cho biết, tiến độ đều rất chậm và tới nay, chưa có thửa đất nào được giao cho người dân dù thành phố đã nhiều lần thúc giục. Bất chấp thực tế đó, người ta vẫn liều mạng mua bán ào ào, không tính toán tới khả năng đất dịch vụ vẫn có khả năng “bốc hơi” như đã nói ở trên. Trước tình trạng người dân địa phương bán đất dịch vụ “trên trời” tràn lan và có thể dẫn đến rủi ro cho người mua, Phó Chủ tịch UBND xã An Khánh, ông Nguyễn Huy Hoán lo ngại: “Việc tranh chấp rất có thể sẽ diễn ra nếu hai bên mua bán không đồng thuận. Lúc đó, hai bên lại phải chờ cơ quan chức năng phân xử”.
Cũng thừa nhận có thực trạng người dân tự ý mua đi bán lại đất dịch vụ, song đại diện UBND phường Dương Nội (Hà Đông) cho rằng, phường không cấm nổi vì họ tự mua bán bằng giấy viết tay chứ không thông qua phường. UBND phường Dương Nội cũng khẳng định, chỉ làm thủ tục đất dịch vụ đối với hộ nông dân có tên trong phương án đền bù và không giải quyết bất cứ trường hợp nào mua bán sang tay.
Bình luận về nguy cơ của những người mua bán đất dịch vụ, ông Đào Trung Chính - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, rất dễ gặp rủi ro! Ông nói: “Theo quy định của pháp luật, mọi giao dịch bất động sản đều phải có hợp đồng công chứng. Mua bán bằng giấy viết tay rất mạo hiểm, thực ra đây chỉ là giải pháp tâm lý cho người mua cảm thấy yên tâm còn theo quy định của pháp luật, chữ ký đó không có giá trị pháp lý”.
Ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng Ban chỉ đạo GPMB TP Hà Nội đồng tình: “Mua bán đất dịch vụ không cấm nổi là một thực tế hiện nay. Đó là giao dịch dân sự mà hai bên tham gia phải tự chịu trách nhiệm. Rủi ro người mua phải tự gánh và cơ quan Nhà nước không can thiệp...”. Thêm vào đó, do thời gian từ khi mua bán tới lúc có đất kéo dài tới vài năm, không ai có thể bảo đảm, người được hưởng suất đất dịch vụ có “lật kèo” hay không khi giá đất có biến động lớn. Khi có những tranh chấp như thế xảy ra, hoàn toàn không có cơ sở pháp lý để bảo vệ những người đã bỏ tiền ra mua các loại đất còn đang ở “trên trời” này.
(Theo ANTĐ)
- 0
- By Admin
- 10/06/2011
- 17