• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Lại chuyện đất đai Vĩnh Phúc: Nhập nhằng đền bù, nhân dân chịu thiệt

Theo các Quyết định được các cơ quan chức năng huyện Bình Xuyên và tỉnh Vĩnh Phúc ban hành năm 2002 và 2007, hộ ông Nguyễn Quốc Thắm bị thu hồi 2.802m² và 4.765m² đất nông nghiệp để mở rộng trường CĐ nghề cơ khí NNTW. Nhưng đến nay, các quyền lợi chính đáng của gia đình vẫn chưa được giải quyết.

Nhầm lẫn…

Theo những tài liệu và trình bày của ông Nguyễn Quốc Thắm, 49 tuổi, trú tại thôn Ngoại Trạch, xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, theo QĐ số 1666/QĐ-UB ngày 3-5-2002 và QĐ số 1145/QĐ-UB ngày 3-4-2002, gia đình ông Thắm bị thu hồi 2.802m² đất nông nghiệp để mở rộng trường CĐ nghề cơ khí NNTW (trường CĐ nghề TW), hộ ông Thắm được đền bù hơn 56 triệu đồng và cấp đất canh tác mới. Tuy nhiên, trên thực tế gia đình ông Thắm chỉ nhận được tiền đền bù cho diện tích 1.800m², với số tiền 34.287.000 đồng, trong tổng số 56.080.000 đồng, mà đáng lý gia đình phải được đền bù. “Như vậy, số tiền hơn 21 triệu đồng còn lại, ai là người đã “nhận thay” gia đình tôi?” - ông Thắm đặt câu hỏi.

Ông Thắm cho biết, theo các Biên bản kiểm kê tài sản đối với gia đình ông, được Hội đồng BTGPMB huyện Bình Xuyên và các cơ quan chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc xác nhận, thì số tiền gia đình ông được nhận là 56 triệu đồng. Điều khiến gia đình ông Thắm bất bình, là việc tính toán mức giá đền bù của Hội đồng GPMB “quá rẻ”, làm mất quyền lợi chính đáng của gia đình. “Ngoài diện tích 918m² tôi bị thu trắng, không bồi thường, họ còn tính 0,76m³ bê tông chỉ có 6.729.000 đồng; 166m³ bờ đập thả cá chỉ đền bù có 1.070.000 đồng”.

Sau 9 năm đi đòi quyền lợi, ngày 11-5-2007, ông Thắm nhận được phương án đền bù cho diện tích 918m², với đơn giá 6.400 đồng/m ². Tại Công văn số 45/CV/HĐ ĐB ngày 20-1-2006, lại biện minh rằng “do có sự tính toán nhầm lẫn từ Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Phúc”. Ông Thắm cho biết, gia đình ông không đồng ý với phương án bồi thường nêu trên, bởi trong diện tích 918m² kể trên, từ ngày được chia đến khi bị thu hồi, gia đình ông sử dụng ổn định, không có bất cứ tranh chấp nào và được chính quyền công nhận. Trong khi đó, gia đình ông thuộc diện bị thu hồi 100% diện tích đất canh tác, đất ruộng. “Căn cứ theo Điều 7, Nghị định 22, gia đình tôi phải được hỗ trợ 100% diện tích 918m²”- ông Thắm bức xúc.

Lại chuyện đất đai Vĩnh Phúc: Nhập nhằng đền bù, nhân dân chịu thiệt | ảnh 1

Ở lần thu hồi đất thứ hai, hộ ông Thắm bị lấy 4.765m2 song vẫn chưa nhận được tiền đền bù,
gia đình gặp khó khăn khi không có đất sản xuất.

… hay cố tình?

Trong khi những quyền lợi chính đáng của mình chưa được giải quyết dứt điểm, thực hiện theo kế hoạch mở rộng Trường CĐ nghề TW, tháng 12-2007, hộ ông Thắm lại tiếp tục bị thu hồi diện tích 4.765m² theo QĐ 2077/QĐ-UBND. Tại phương án thu hồi đất lần này, cơ quan chức năng của huyện Bình Xuyên đã phải ra tới… 3 QĐ, mới thu hồi đủ diện tích đất trên.

Theo ông Thắm, nếu áp dụng theo QĐ ban đầu, gia đình ông bị mất trắng gần 3.000m² đất do cách tính “bất hợp lý” của cơ quan chức năng. Sau khi ông Thắm nhiều lần đấu tranh, Hội đồng bồi thường GPMB huyện Bình Xuyên chấp nhận ban hành thêm QĐ thu hồi và đồng ý phương án tính đủ diện tích bồi thường là 4.765m². Song, điều đáng nói là diện tích đất này bị đơn vị thu hồi đất áp giá theo giá “đất hoang hóa”. “Điều này thật vô lý! Đất do gia đình dồn điền, đổi thửa của các hộ xung quanh, và gia đình sử dụng ổn định, hợp pháp trong nhiều năm, có đầy đủ các văn bản, giấy tờ có dấu đỏ của cơ quan chức năng. Vậy mà họ lại cố tình không công nhận” - ông Thắm bức xúc.

Ngày 8-1-2007, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có Công văn số 56/UBND-TD1, chỉ đạo UBND huyện Bình Xuyên và xã Tam Hợp giải quyết. Theo công văn này, UBND tỉnh Vĩnh Phúc nêu: Từ năm 1999 hộ ông Thắm chuyển đổi với 6 hộ khác, dồn toàn bộ diện tích đất canh tác của gia đình (được giao theo NĐ61/CP, năm 1993) về một khu để tiện việc canh tác, là có thực. Tổng diện tích chủ hộ đã sử dụng là 2.802m², nhưng khi thu hồi đất (tháng 7-2002) HĐBT huyện Bình Xuyên chỉ tính bồi thường 1.884m², còn lại 918m² là chưa đảm bảo quyền lợi người sử dụng đất. “Mặt khác, gia đình ông Thắm bị thu hồi toàn bộ diện tích đất canh tác mà không bố trí bồi thường bằng đất, là chưa phù hợp chủ trương của Nhà nước” - công văn nêu rõ, đồng thời chỉ đạo: “Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu xã Tam Hợp rà soát các quỹ đất còn lại giao cho hộ ông Thắm để gia đình thực hiện canh tác, sinh sống…”.

Trao đổi với PV báo PL&XH, ông Thắm cho biết, sau khi bị thu hồi đất, gia đình ông không có đất sản xuất nên gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, với diện tích 4.765m² thu hồi lần hai, gia đình chưa nhận được hỗ trợ nào. “4.765m² đất thì bị thu hồi từ năm 2007, mãi đến năm 2010 mới nói đến việc bồi thường. Song đến nay vẫn bặt vô âm tín! Trong khi đó giá đền bù quá thấp, dự án chậm triển khai, gia đình thì không còn đất canh tác, sản xuất và gặp rất nhiều khó khăn”.

(Theo PL&XH)

  • 0
  • By Admin
  • 24/05/2011
  • 17