• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Ký túc xá ế vì bị công nhân chê

Ký túc xá ế vì bị công nhân chê | ảnh 1
Công nhân chê, KTX của Tập đoàn Phong Thái vẫn còn trống nhiều phòng.

Nhà tiêu chuẩn: Ít mà vẫn ế

Đồng Nai hiện có hơn 200.000 công nhân phải thuê nhà ở tại các phòng trọ do hộ gia đình xây dựng, 60.000 công nhân đang sống nhờ ở nhà người thân, gia đình… Nhu cầu nhà ở cho công nhân đang rất bức thiết và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Dự kiến đến năm 2015, số công nhân làm việc tại Đồng Nai sẽ tăng khoảng 120.000 người. Toàn tỉnh Đồng Nai có 72 dự án xây dựng nhà ở cho công nhân, trong đó 18 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, có khả năng bố trí chỗ ở cho khoảng 20.000 công nhân, chỉ đáp ứng được 7,1% nhu cầu về nhà ở của công nhân.

Trong các dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, có thể kể đến nhà ở do các doanh nghiệp sử dụng lao động xây, như khu ký túc xá của Tập đoàn Phong Thái, khu nhà ở cho công nhân của Cty Formosa, Cty Sonadezi, Cty Pouchen... Các khu nhà ở này được xây cao tầng với đầy đủ các tiện ích như nhà ăn, nước máy, đường truyền internet, khu thể thao, giải trí… Có Cty còn đầu tư xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo khép kín để đảm bảo tốt nhất cho nhu cầu sinh hoạt, làm việc của công nhân.

Tại khu ký túc xá công nhân của Tập đoàn Phong Thái ở huyện Trảng Bom có hơn 2.000 chỗ ở với đầy đủ tiện nghi như có nơi nấu ăn, khu vui chơi thể thao, thư viện đọc sách báo... giá thuê phòng chỉ chưa đầy 500.000 đồng/phòng cho 6 người.

Dù các khu nhà ở công nhân được đầu tư quy mô và chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu nhà ở của công nhân, nhưng đa số các khu nhà này vẫn chưa lấp đầy người ở.

Quá tải nhà trọ tự phát

Chị Nguyễn Thị Hoài quê tỉnh Nghệ An làm việc tại Cty Việt Vinh, KCN Sông Mây (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) cho rằng, khu ký túc xá của Cty hơn hẳn nhà trọ bên ngoài nhưng lại xa khu dân cư và không dành cho công nhân của Cty khác: “Trong khi đó bạn bè tụi em cùng quê, nhưng làm việc ở nhiều Cty khác nhau nên tiện lợi nhất là thuê nhà trọ bên ngoài ở chung cho thuận tiện”.

Với lý do này, cả nhóm bạn chị Hoài gồm 5 người cùng thuê căn phòng chừng 12 m2. Chị Hoài tâm sự, cả ngày đi làm còn phải nơm nớp sợ kẻ gian phá cửa trộm đồ. Trong khi phái nữ còn có lý do đáng tiếc để không ở được ký túc xá Cty, thì cánh công nhân nam thẳng thừng chê ký túc xá Cty.

Anh Nguyễn Thanh Vàng, công nhân làm tại KCN Nhơn Trạch nói: “Công nhân tụi em sau giờ làm việc còn có nhiều sinh hoạt khác, có thể đi sớm về khuya, rồi lâu lâu tụ tập nhậu nhẹt mà quy định ký túc xá Cty thì cấm hẳn những điều này”.

Nhiều công nhân ở TP Biên Hòa chọn giải pháp mua đất giá rẻ ở các khu quy hoạch cất nhà ở. Chị Đỗ Hương Lê, quê tỉnh Ninh Bình, làm công nhân tại KCN Biên Hòa 2 lập luận: Bỏ ra vài chục triệu mua đất rẫy trong khu quy hoạch rồi xây nhà ở lâu dài vẫn rẻ hơn đi thuê nhà trọ.

Theo Sở Công Thương Đồng Nai, 40% nhà cho thuê của hộ gia đình không có trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy; hơn 5% khu nhà trọ chưa có nơi tập kết rác.

Đặc biệt, mới chỉ có gần 2.800/13.200 nhà trọ sử dụng nước máy và có một số khu nhà trọ còn sử dụng nước sông hồ để sinh hoạt. Hiện trung bình một công nhân tại Đồng Nai phải chi phí mỗi tháng trên 250.000 đồng để thuê nhà ở. Trong lúc đó, nếu ở nhà do các Cty xây dựng, số tiền công nhân bỏ ra chỉ bằng hoặc thấp hơn mức trên.

Ông Đoàn Văn Đây, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai giải thích: “Đa số người lao động vẫn có thói quen thuê trọ tại các nhà dân, không bị ràng buộc bởi các nội quy, quy định.

Ở nhà của Cty, công nhân phải chấp hành những quy định về giờ giấc, nội quy tiếp khách, tiếp người thân. Bên cạnh đó, một số nhà ở do Cty xây dựng nhưng lại ở quá xa nơi làm việc của công nhân”.

(Theo TPO)


  • 0
  • By Admin
  • 01/06/2012
  • 17