• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Ký túc xá cho sinh viên: Thiếu đất, thiếu tiền và thiếu cả tấm lòng

Ký túc xá cho sinh viên: Thiếu đất, thiếu tiền và thiếu cả tấm lòng    

Làng sinh viên Hacinco. Ảnh: Trung Kiên

 

Dù các cơ sở đào tạo đã có nhiều cố gắng xây KTX cho SV nhưng theo ông Phùng Khắc Bình, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT) hiện chỉ có khoảng 20% SV được ở trong KTX. Con số này không tăng là bao trong những năm qua.

 

Thiếu chỗ ở, chuyện không mới

“Chúng tôi cần ít nhất 500 chỗ ở nữa mới có thể đáp ứng hòm hòm nhu cầu của riêng sinh viên năm thứ nhất”, ông Trần Công Thanh, trưởng ban ký túc xá trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết. Trong số 2.300 sinh viên mới nhập học năm nay, KTX của trường chỉ có thể đáp ứng được chỗ ở cho 500 sinh viên, tức là chỉ hơn 20%. Tương tự như vậy, năm học 2008-2009, trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng chỉ có 1.500 chỗ ở KTX trong khi trường có 5.000 chỉ tiêu tuyển sinh. Trong số hơn 20.000 sinh viên, KTX của trường chỉ đáp ứng được khoảng 6.000 người. Do sự hạn hẹp này mà các KTX trước tiên được ưu tiên cho các đối tượng chính sách, con gia đình nghèo, sinh viên miền núi, nông thôn và các thủ khoa… Không thể mơ đến một chỗ trong các KTX, nơi phù hợp với việc học tập cũng như điều kiện tài chính của mình, 60% đến 80% sinh viên các trường đại học ở Hà Nội buộc phải thuê chỗ ở ngoại trú.

 

Đây là tình trạng mà các trường đại học đóng tại Hà Nội đều gặp phải và cũng là tình trạng chung của các trung tâm lớn, trong bối cảnh chỉ trong 10 năm qua đã có thêm 198 trường đại học được thành lập hoặc nâng cấp. Tính đến tháng 8-2008, cả nước có khoảng 1,6 triệu sinh viên, trong đó, số SV là người Hà Nội khoảng 18%, TP Hồ Chí Minh khoảng hơn 16%. Quy mô đào tạo của các trường với số lượng chỗ học đều tăng trong khi cơ sở vật chất thì hầu như không thay đổi.

 

Cần đất, cần tiền và cần cả cơ chế

Từ năm 2006, Bộ GD-ĐT đã được Chính phủ phê duyệt đề án trị giá 3,5 nghìn tỉ đồng nhằm giải quyết chỗ ở cho sinh viên với mục tiêu đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu cho sinh viên dài hạn tập trung. Ông Trần Duy Tạo, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học, Bộ GD-ĐT cho biết: “Đến nay đề án vẫn tiếp tục được thực hiện song còn gặp rất nhiều khó khăn, mà để giải quyết được cần có những bước đột phá trong nhiều vấn đề lớn: đất, tiền và cơ chế”. Việc di chuyển các trường đại học ra các tỉnh lân cận Hà Nội, về lâu dài, là hết sức cần thiết bởi hiện tại Hà Nội chỉ còn quỹ đất ở Đông Ngạc, Từ Liêm với diện tích 50 héc-ta được quy hoạch cho 3 trường đại học Tài chính, Mỏ-địa chất và Y công cộng. Ở một số trường, khó khăn trong giải phóng mặt bằng, tiền đền bù quá lớn là lý do chính của việc chậm và khó mở rộng cơ sở vật chất. Tuy nhiên, trong khi có những trường không có đất để mở rộng và xây dựng KTX thì một số nơi có điều kiện vật chất mà vẫn chưa tiến hành xây dựng được vì… không có sổ đỏ. Trường ĐH Hà Nội từ 3 năm nay vì lý do này mà phải chịu cảnh chật chội trong khi đã có đất cho việc xây dựng KTX. Cùng cảnh tương tự là trường đại học Bách khoa Hà Nội.

 

Xã hội hóa: Cần một tấm lòng

Khi xây dựng đề án xây KTX cho SV, một trong những giải pháp được đề ra là huy động các lực lượng xã hội tham gia. Xã hội hóa không chỉ là để có thêm nhà đầu tư mà còn để kêu gọi những sáng kiến và tìm kiếm thêm quỹ đất. Nhưng xem ra, giải pháp này không mấy khả thi.

 

Nhu cầu rõ ràng là rất lớn song hầu như chẳng có doanh nghiệp nào tỏ ra mặn mà với việc xây dựng KTX bởi lợi ích kinh tế không cao, lâu thu hồi vốn. Từ năm 2001 tới nay, mới chỉ có  2 dự án là Làng sinh viên Hacinco và KTX Thăng Long, nhưng nơi thì kêu trời vì lỗ, nơi thì đã chuyển mục đích kinh doanh. Ở một số tỉnh, thành phía Nam đã xuất hiện mô hình các địa phương xây KTX cho SV tỉnh mình, nhưng cũng chỉ rộ lên một vài năm, còn ở phía Bắc thì vấn đề lo chỗ ở cho SV vẫn chỉ là việc của ngành Giáo dục.

 

Để khắc phục tình trạng này, Bộ GD-ĐT đang hợp tác với các doanh nghiệp, kêu gọi đầu tư, đặc biệt sẵn sàng đứng ra bảo lãnh tiền vay cho doanh nghiệp xây dựng KTX với điều kiện phải sử dụng đúng mục đích, bảo đảm quyền lợi cho sinh viên. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã trình Chính phủ đề xuất ưu đãi về thuế và quyền sử dụng cho các nhà đầu tư và tạo điều kiện cung cấp đất “sạch” để các doanh nghiệp xây dựng KTX. Bộ GD-ĐT hy vọng trong thời gian sắp tới, những điều kiện này sẽ được Chính phủ chấp thuận khi ban hành danh mục ưu đãi đầu tư. Ông Trần Duy Tạo cũng cho biết, Bộ đã kiến nghị Chính phủ tăng thêm ngân sách 1,5 nghìn tỉ, tập trung vào việc xây dựng KTX, với mục đích giải quyết trước mắt ít nhất 40 đến 50% nhu cầu chỗ ở cho sinh viên. Tuy nhiên, ông Tạo cũng nhấn mạnh: “Để chung tay với Nhà nước, các trường cũng nên ưu tiên trích nguồn tiền học phí cho việc xây dựng KTX chứ không chỉ chú trọng đầu tư tạo chỗ học để thu hút sinh viên như hiện nay. Ngoài ra, trong khi phần lớn sinh viên đang phải ở trọ bên ngoài như hiện nay, chúng ta cũng nên hỗ trợ bằng chính sách thuế ưu đãi cho những người kinh doanh dịch vụ này để giảm gánh nặng tài chính cho sinh viên”.

 

Lo chỗ ở cho sinh viên còn cần cả một tấm lòng.

Theo Hà Nội Mới

  • 0
  • By Admin
  • 26/09/2008
  • 17