• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Kon Tum: Bị thu hồi đất 3 năm vẫn chưa được đền bù

Năm 2009, dự án kè chống sạt lở bờ sông Pô Kô, huyện Đăk Glei được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt, với tổng mức đầu tư 93 tỉ đồng, bờ kè dài 4,5km nằm phía bờ đông sông Pô Kô, thuộc xã Đăk Pét và thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei. Để phục vụ công trình, đã có gần 66 ngàn mét vuông đất các loại của 81 hộ dân nằm trong diện đền bù, giải phóng mặt bằng, với tổng số tiền đền bù khoảng 2,4 tỉ đồng. Thế nhưng, từ ngày đất bị thu hồi đến nay, người dân vẫn chưa được đền bù đất, thiếu đất canh tác nên đời sống của họ gặp rất nhiều khó khăn. Một số hộ gia đình phải đi làm thuê, đi nhặt chai bao để kiếm sống qua ngày.

Kon Tum: Bị thu hồi đất 3 năm vẫn chưa được đền bù | ảnh 1
Một số hộ dân phản ánh sự việc.

Bà Cao Thị Bình - Trưởng thôn Đông Thượng, xã Đăk Pét - cho biết: “Tôi không nắm chắc số diện tích đất bị thu hồi của các hộ gia đình trong thôn là bao nhiêu, nhưng biết chắc 11 hộ sống dọc bờ kè bị mất đất sản xuất vì dự án kè sông Pô Kô. Hiện nay đời sống của những hộ gia đình này hết sức khó khăn. Toàn bộ diện tích đất này chưa được Ban quản lý dự án kè Pô Kô đền bù nhưng họ đã tiến hành khởi công công trình, người dân rất bức xúc”. Do không có đất sản xuất, một số người dân xâm lấn vào rừng phát nương làm rẫy. Nhưng hầu hết diện tích đất nương rẫy đã có chủ, phá rừng để canh tác nương rẫy thì chính quyền địa phương ngăn cản, khiến đời sống người dân lâm vào thế túng quẫn.

Ông Đàm Đức Long - trú tại thôn Đông Thượng, xã Đăk Pét - cho biết: “Gia đình chúng tôi không có lấy mảnh đất để canh tác. Chúng tôi làm sản xuất nông nghiệp mà không có đất thì lấy gì mà sinh sống, lấy gì mà nuôi sống gia đình. Đất chúng tôi chưa được đền bù mà đơn vị thi công đã tiến hành thi công công trình”. Ông Long còn cho biết thêm: “Diện tích đất của ông đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi khởi công xây dựng bờ kè thì đơn vị thi công phải gặp gia đình ông thoả thuận đền bù, đằng này họ lại yêu cầu ngược lại là ông đi gặp đơn vị thi công để thoả thuận!”.

Một trong những hộ gia đình bị thiệt hại cả nhà cửa, vườn tược là chị Y Brai trú tại thôn Đông Thượng. Chị Y Brai cho rằng: “Tôi bị ảnh hưởng toàn bộ ngôi nhà và diện tích đất, nhưng chưa biết mấy ông đền bù diện tích bao nhiêu vì họ chưa thông báo. Tôi nghe nói đền bù khoảng 5.000 đồng/m2. Đất gì mà rẻ dữ vậy, giá mỗi mét đất chưa bằng ổ bánh mì, chỉ tính tiền công khai hoang thì chúng tôi cũng đã thiệt hại đáng kể”. Còn bà Y Han - trú tại thị trấn Đăk Glei - than thở: “Tôi đã bị mất hơn 6.000m2 đất và 3 năm nay không có đất để làm ăn. Gia đình tôi khó khăn lắm, tôi thường xuyên đau ốm không đi làm xa được, mong Nhà nước giúp đỡ, đền bù sớm cho chúng tôi”.

Khi đặt vấn đề nguyên nhân vì sao chậm đền bù cho người dân vùng bờ kè Pô Kô, ông Đinh Bá Thi - Hội đồng Bồi thường thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đăk Glei - giải thích: “Cơn bão số 9 ảnh hưởng đến tiến độ thẩm định công trình. Mới đây, UBND tỉnh điều chỉnh một số quy định về mức hỗ trợ. Mặt khác, một số hộ dân thắc mắc về khối lượng bồi thường, có trường hợp tranh chấp thửa đất nên tiến hành đo đạc, đền bù chậm”.

Trước những bức xúc của người dân, chính quyền địa phương cũng rất quan tâm, lo lắng cho đời sống người dân vùng bờ kè, mong muốn ban quản lý dự án sớm đền bù cho người dân, đồng thời, UBND huyện Đăk Glei phối hợp với các cơ quan chức năng có chính sách lâu dài chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm, giao đất lâm nghiệp, rừng nghèo cho người dân để chuyển sang đất sản xuất nông nghiệp. Ông Trần Ngọc Tự - Chủ tịch UBND thị trấn Đăk Glei – cho biết: “UBND thị trấn đã tiếp thu các ý kiến kiến nghị của nhân dân để phản ánh với cơ quan chức năng và đề xuất với các tổ đại biểu hội đồng nhân dân trong các cuộc tiếp xúc cử tri ở cơ sở có chính sách chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ việc làm cho người dân”.

(Theo LĐO)


  • 0
  • By Admin
  • 02/08/2011
  • 17