Kiều nữ lừa đảo trót lọt 2 triệu USD qua… sàn bất động sản
Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Xuân (ngụ phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) - một trong những nạn nhân bị Phương lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên 21 tỉ đồng, do quen biết nhau từ trước, đầu tháng 3/2012, Phương đã mời bà Xuân đến Văn phòng Công ty Mega tại Hà Nội (thuê trụ sở tại tòa nhà số 1 Đào Duy Anh) về việc mời đầu tư dự án.
Lấy tư cách là Trưởng văn phòng đại diện của Công ty Mega, Phương khoe bà Xuân về việc công ty đang là chủ đầu tư của dự án Hưng Gia tại TP Đà Nẵng. Theo đó, Phương có một số đối tác Việt kiều có nhu cầu mua đất tại dự án này, nếu ai đầu tư sẽ hưởng lãi 250 triệu đồng/căn. Phương rủ rê bà Xuân cùng đầu tư dự án này nhưng để bà Xuân đứng tên vì theo "nữ quái" giải thích, mình là người "nội bộ".
Cách thức đầu tư rất nhanh gọn: Bà Xuân phải nộp vào số tiền (đặt cọc) tương đương 30% giá trị căn hộ, 45 ngày sau đó, bà sẽ được ký hợp đồng góp vốn với công ty. Trong thời gian này, Phương cho biết mình sẽ giúp bà Xuân chuyển nhượng cho các khách hàng Việt kiều và hai người cùng nhau ăn chia tiền lãi.
Do đã có thời gian cùng làm ăn chung với Phương nên bà Xuân rất tin tưởng, đồng ý bỏ tiền đầu tư. Từ tháng 3 đến tháng 6/2012, bà Xuân đã nhiều lần đến Văn phòng Công ty Mega tại Hà Nội nộp tiền, tổng trị giá tiền cọc lên tới trên 21,3 tỉ đồng để được mua 14 lô đất. Tại đây, Phương dùng phiếu thu tiền, có đóng dấu Văn phòng Công ty Mega tại Hà Nội để thu tiền từ bà Xuân. Ngoài ra, thị còn hướng dẫn bà Xuân nhờ một số người nhà đứng tên nộp tiền và viện cớ nếu chỉ để bà Xuân đứng tên một mình thì khách hàng sẽ nghĩ đầu cơ sẽ khó bán.
Theo cam kết của Phương, đến tháng 8/2012 công ty - chủ đầu tư sẽ ký hợp đồng góp vốn với bà Xuân. Tuy nhiên, đến thời hạn này bà Xuân vẫn không nhận được hợp đồng nên tìm gặp Phương đề nghị nếu không hoàn tất được thủ tục thì phải trả lại tiền. Phương lấy lý do công ty đang bị thanh tra về thuế tại dự án,tài khoản đã phong tỏa nên không có cách nào rút tiền ra trả được. Sau đó, thị tìm cách né tránh rồi bỏ trốn.
Trên cơ sở đơn trình báo và tài liệu mà bà Xuân cung cấp, Cơ quan Công an đã làm rõ, Công ty Mega (có trụ sở tại quận 1, Tp.HCM) là chủ đầu tư dự án. Vào năm 2011, công ty này có mở văn phòng đại diện tại Hà Nội để tiến hành việc giao dịch, tiếp thị bán các sản phẩm của công ty là các lô đất tại dự án nói trên.
Đầu năm 2012, Phạm Thị Mai Phương được công ty bổ nhiệm làm Trưởng văn phòng đại diện tại Hà Nội (đến cuối năm, công ty này đã chấm dứt hoạt động của văn phòng). Theo đó, Văn phòng đại diện này chỉ có chức năng giao dịch tiếp thị bán sản phẩm, không được phép thu tiền của khách hàng đặt cọc mua đất. Ai muốn mua sẽ trực tiếp ký hợp đồng và nộp tiền cho công ty.
Bị hại gửi đơn tố cáo hành vi lừa đảo dự án của Phạm Thị Mai Phương
Muốn có tiền để giải quyết nhu cầu cá nhân, từ tháng 3 - 6/2012, lợi dụng chức vụ là Trưởng văn phòng đại diện của Mega tại Hà Nội, Phạm Thị Mai Phương đã lên kế hoạch tỉ mỉ để lừa đảo bà Nguyễn Thị Xuân. Phương dùng hồ sơ và vị trí các lô đất tại dự án Habour Ville ReverSide tại Đà Nẵng của Công ty Mega để "hô biến" thành dự án Hưng Gia, sau đó mời nhà đầu tư này tham gia với kế hoạch "lướt ván" rất hấp dẫn. Khi bà Xuân nộp tiền, Phương đã khôn ngoan dùng mẫu hợp đồng đặt cọc của Công ty Mega và tự ý lấy chức danh Trưởng văn phòng đại diện để ký kết hợp đồng với bà Xuân, ngoài ra, thị còn dùng vị trí, ký hiệu các lô đất trên sơ đồ và hồ sơ dự án Habour Ville ReverSide tại Đà Nẵng nhưng lại đổi tên thành "dự án Hưng Gia".
Phương còn yêu cầu 2 nhân viên kế toán và thủ quỹ của văn phòng phải lập phiếu thu khống theo mẫu phiếu thu của Công ty Mega, với phần nội dung thể hiện việc thu tiền của bà Xuân. Khi bà Xuân nộp tiền, Phương là người trực tiếp ký tên, đóng dấu văn phòng đại diện trên phiếu thu rồi bàn giao luôn bản chính cho bà Xuân. Do âm mưu chiếm đoạt tiền đặt cọc của bà Xuân nên Phương cũng không hề lưu giữ những phiếu thu này tại văn phòng của mình.
Kế hoạch của Phương càng hoàn hảo hơn khi thị làm thêm một hợp đồng ba bên thể hiện việc bà Xuân đã chuyển nhượng lại lô đất đã đặt cọc cho một bên thứ ba với lãi suất là 250 triệu đồng/lô, và Phương là người chứng kiến với tư cách Trưởng văn phòng đại diện. Thực tế, không hề có bên thứ ba này, đều là do Phương tự bịa ra để bà Xuân tin tưởng kế hoạch đầu tư "lướt sóng" dự án của thị là có thật.
Kết quả điều tra cho thấy, sau khi thu hơn 21,3 tỉ đồng của bà Xuân, Phương đã không đầu tư vào dự án của Công ty Mega mà dùng tiền chi tiêu cá nhân. Để tạo niềm tin cho bị hại, đến kỳ hạn ký hợp đồng góp vốn, Phương đã dùng chính tiền của bà Xuân, trích một phần nhỏ đưa lại cho bà này và nói dối là tiền lãi để tiếp tục dụ bà Xuân nộp thêm tiền đầu tư.
Phiếu thu tiền do Phạm Thị Mai Phương tạo dựng để
tạo niềm tin, chiếm đoạt tiền của bị hại
Sau khi bị phía Cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", Phương đã nhanh chóng bỏ trốn. Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) đã ra quyết định truy nã đối với Phạm Thị Mai Phương. Đến cuối tháng 7 năm nay, Phương đã từ đến Cơ quan Công an đầu thú. Cơ quan CSĐT đã ra lệnh tạm giam bị can đối với Phương để tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo của bị can này.
Cơ quan điều tra cho biết, ngay sau khi biết việc Phạm Thị Mai Phương bị bắt giam, đã có thêm nhiều nạn nhân khác đến tố cáo hành vi lừa đảo dự án của "nữ quái" này.
Ông Trịnh Xuân C. (68 tuổi ngụ quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) cho biết, vào đầu năm 2010, Phương có thuê nhà của vợ chồng ông tại đường Trần Bình Trọng, phường Lương Khánh Thiện, Hải Phòng để lập sàn giao dịch bất động sản có tên Điền Gia. Lấy tư cách là giám đốc sàn giao dịch, thị lôi kéo cợ chồng ông C. đầu tư mua một lô đất tại dự án Thành Hiếu ở Bình Dương với giá gốc, chỉ cần góp vốn 50%, sau 3 tháng sẽ nhận cả gốc và lãi.
Thấy Phương là giám đốc sàn giao dịch, lại đang thuê nhà của mình nên vợ chồng ông C. đã tin tưởng, đi vay tiền ngân hàng rồi nộp cho Phương. Tuy nhiên sau khi chiếm đoạt của ông C. số tiền trên 800 triệu đồng, Phương đã trốn lên Hà Nội. Không những lừa tiền đầu tư dự án, nữ quái này còn quỵt nợ chủ nhà số tiền thuê phòng hơn 60 triệu đồng, tổng cộng thiệt hại của vợ chồng ông C. là 890 triệu đồng.
Quyết định truy nã của CQĐT với Phạm Thị Mai Phương
Bỏ sàn giao dịch bất động sản Điền Gia tại Hải Phòng, Phương lên Hà Nội thành lập Công ty TNHH Sàn giao dịch bất động sản Phương Trang Hà Nội (thuê trụ sở tại phố Lê Văn Hưu, quận Hai Bà Trưng).
Cũng lấy tư cách là giám đốc sàn giao dịch, Phương đã lôi kéo được một số nhà đầu tư đưa tiền cho thị để được mua đất tại dự án Phương Trang - Vịnh Đà Nẵng của Công ty bất động sản Phương Trang với giá gốc, sau đó thị cắt liên lạc với nạn nhân. Người bị hại bức xúc vào Đà Nẵng tìm hiểu thì được chủ đầu tư dự án là Công ty bất động sản Phương Trang cho biết, dự án này là có thật nhưng những nền đất mà Phạm Thị Mai Phương đã ghi bán cho khách hàng thực tế còn chưa được chủ đầu tư mở bán. Tất cả giấy tờ, hợp đồng góp vốn và phiếu thu...đều là do Phương tự dựng lên để lừa đảo.
Thực tế, Phương không hề góp vốn hay đầu tư gì vào Công ty bất động sản Phương Trang. Cơ quan điều tra cho biết, bước đầu có thêm 6 cá nhân tố cáo Phạm Thị Mai Phương lừa đảo dự án với số tiền chiếm đoạt trên 18 tỉ đồng. Phía cơ quan điều tra hiện cũng đã tiếp nhận đơn tố cáo của người bị hại để lập hồ sơ, điều tra làm rõ hành vi chiếm đoạt tiền của Phạm Thị Mai Phương trong thời gian tới.
Ngày 13/10 vừa qua, theo thông tìn từ Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội, cơ quan này hiện đang điều tra vụ án Phạm Thị Mai Phương (SN 1979, ĐKHK ngõ Toàn Thắng, phường Thổ Quan, Đống Đa), ở CT1A chung cư Nam Đô, 609 Trương Định, can tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cơ quan điều tra cũng đề nghị, những ai là bị hại của Phạm Thị Mai Phương, hãy liên hệ sớm với cán bộ điều tra Ngô Xuân Bách, thuộc Đội 10 PC46 Công an Hà Nội để cung cấp thông tin. Địa chỉ tại 40B Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: 0989961989.
- 0
- By Admin
- 17/10/2015
- 17