Kiến trúc xanh liệu có xanh?
Nhưng ở Việt Nam, khái niệm này được nhắc đến nhiều nhưng việc triển khai xây dựng trong thực tế cần lộ trình cụ thể.
Thiếu hành lang pháp lý cho xây dựng “xanh”
Công trình xanh không phải là tòa nhà hay những khu đô thị rợp bóng cây xanh, mà là những công trình được thiết kế, xây dựng để giảm hoặc loại bỏ tác động xấu của công trình xây dựng lên môi trường và sức khỏe người dân trên 5 lĩnh vực: quy hoạch địa điểm bền vững, bảo vệ và sử dụng hiệu quả nguồn nước, sử dụng hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo; bảo tồn vật liệu và tài nguyên, chất lượng môi trường sống và chất lượng không khí trong nhà tốt.
Ở Việt Nam, những năm gần đây khái niệm công trình xanh được nhắc đến nhiều nhưng thực tế việc triển khai xây dựng vẫn còn hạn chế, số lượng công trình còn đếm trên đầu ngón tay. Theo TS.KTS Lê Thị Bích Thuận, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng), có nhiều nguyên nhân nhưng 3 lý do cơ bản nhất dẫn đến công trình xanh chưa được triển khai rộng rãi ở Việt Nam, đó là hàng lang pháp lý và chế tài cụ thể khuyến khích xây dựng công trình xanh ở nước ta còn rất thiếu; Hiểu biết của người Việt Nam về kiến trúc xanh không nhiều; Chi phí đầu tư xây dựng công trình xanh khá cao, từ khâu thiết kế đến xây dựng và hoàn thiện.
Nhà ở riêng lẻ có thể xây dựng xanh?
Cũng theo TS.KTS Lê Thị Bích Thuận, tổng mức đầu tư xây dựng công trình xanh cao hơn so với công trình xây dựng thông thường nhưng nếu tính hiệu quả lâu dài thì không hẳn như vậy, bởi lợi nhuận công trình xanh mang lại rất lớn. Tòa nhà xanh, công trình xanh sẽ đem lại hiệu quả cao hơn trong sử dụng năng lượng và tài nguyên (bao gồm tài nguyên nước và tài nguyên làm VLXD…), chi phí vận hành, duy tu giảm và đặc biệt chất lượng môi trường, không khí trong nhà tốt, giúp con người sống khỏe mạnh hơn, giảm ô nhiễm môi trường do giảm phát thải khí CO2 .Theo cách tính của Đài Loan, chi phí đầu tư xây dựng cho công trình xanh tăng 5% - 10% - 30% - 40% thì lợi nhuận tương ứng là 30% - 60% - 80% - 100%. Vì vậy, hiệu quả những công trình xanh đem lại khó có thể tính được bằng tiền.
Không chỉ đối với khu đô thị hay tòa nhà xây mới 100% mới có thể áp dụng kiến trúc xanh mà ngay cả những tòa nhà, những khu chung cư cũ cần cải tạo cũng có thể sử dụng các giải pháp kỹ thuật xây dựng công trình xanh như mặt đứng sử dụng cửa 2 lớp (ngoài gỗ trong kính) để mùa hè giảm nhiệt, mùa đông giữ nhiệt, sử dụng đèn điện tiết kiệm năng lượng, mặt nhà thiết kế zic zac nhiều cửa sổ, sử dụng làm mát mái bằng cách trồng cỏ, bể nước…., sử dụng nước thải để tưới cây, rửa xe, tận dụng năng lượng mặt trời…để giảm chi phí vận hành, loại trừ sự tác động của công trình đến môi trường và sức khỏe con người.
Đối với nhà ở riêng lẻ có diện tích nhỏ 30 – 50 m2 hay trên 100 m2, nếu áp dụng các giải pháp xây dựng công trình xanh sẽ rất tốt, bởi những ngôi nhà này chi phí đầu tư không quá lớn và nếu áp dụng xây dựng “xanh” chi phí tăng thêm 10% và người dân hoàn toàn có thể làm được. Ví dụ, nếu căn nhà xây dựng thông thường hết 700 triệu, thì căn nhà xây dựng theo kiến trúc xanh hết 770 triệu đồng, tổng mức đầu tư tăng không nhiều mà người dân lại được sống trong ngôi nhà an toàn và tiện nghi, phù hợp với môi trường.
Đổi mới từ khâu thiết kế xây dựng
Ngành Xây dựng đã và đang triển khai các hoạt động nhằm cụ thể hóa và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững như triển khai thực hiện “Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050”, Định hướng phát triển cấp, thoát nước đô thị Quốc gia đến năm 2020, “Chiến lược quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020”…
Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Xây dựng Cao Lại Quang, giảm phát thải nhà kính, trong xây dựng cần nghiên cứu, sử dụng VLXD thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên; các giải pháp quy hoạch - kiến trúc đô thị, áp dụng các thiết bị kỹ thuật công trình có hiệu suất cao nhằm tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, giảm thiểu khí gây hiệu ứng nhà kính; các giải pháp công nghệ thích hợp xử lý chất thải đô thị … để xây dựng những công trình xanh. “Xây dựng xanh”, “Công trình xanh” , “Đô thị xanh” là những mục tiêu cụ thể ngành Xây dựng Việt Nam hướng đến trong những năm tới.
Là KTS nghiên cứu và dành nhiều tâm huyết cho công trình xanh, theo Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quy hoạch đô thị và nông thôn Lê Thị Bích Thuận, để khuyến khích phát triển công trình xanh mở đầu cho xu hướng kiến trúc xanh ở Việt Nam, nhà nước cần xây dựng hành lang pháp lý và có chế tài cụ thể khuyến khích công trình xanh, đưa vào chính sách quốc gia, vận động một cuộc cách mạng xanh trong xây dựng. Chính phủ cần xây dựng những tòa nhà xanh điển hình hoặc Nhà nước cấp kinh phí để cải tạo tòa nhà cũ, khu chung cư cũ do nhà nước quản lý thành công trình xanh thí điểm để người dân thực hiện theo.
Cũng theo TS Thuận, Kiến trúc xanh phải phù hợp với bối cảnh địa phương chứ không phải là sự dập khuôn máy móc. Vì vậy, chúng ta cần có những giải pháp phù hợp trên cơ sở những nghiên cứu cụ thể. Ngoài vấn đề lựa chọn địa điểm quy hoạch, xây dựng, sử dụng vật liệu cũng như ứng dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp, cần thay đổi công nghệ thiết kế cho phù hợp.
Chúng ta đi sau nên thừa hưởng kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt những nước có điều kiện khí hậu giống nước ta như Đài Loan. Nên sử dụng hệ thống tính toán của Đài Loan vì khí hậu tương tự như ở Việt Nam và họ đã tương đối thành công.
Vừa qua, Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC) đã giới thiệu công cụ đánh giá (gồm các tiêu chuẩn và các đường tiêu chuẩn) và cấp bằng chứng nhận cho các công trình xanh đạt tiêu chuẩn. Một số dự án như Ngôi nhà xanh một Liên Hợp Quốc, tòa nhà Trường Sơn (TPHCM), văn phòng và nhà máy MocBai Việt Nam, trụ sở văn phòng Sở Khoa học Công nghệ Môi trường (TPHCM) là những dự án đầu tiên thí điểm hệ thống LOTUS này ở Việt Nam. Hy vọng, công cụ đánh giá này ra đời sẽ được áp dụng và đem lại hiệu quả.
- 288
- By Admin
- 17/06/2010
- 17