Kiến trúc nông thôn: Đâu rồi vai trò của quy hoạch?
Làng Đường Lâm (TP Sơn Tây) được bảo tồn không gian truyền thống làng Việt cổ. Ảnh: Thái Hiền.
Kiến trúc nông thôn - "trăm hoa đua nở"
Nhờ phát triển mạnh nghề chế biến lâm sản nên xã Liên Trung, huyện Đan Phượng (Hà Nội) đã thay da đổi thịt. Về làng bây giờ, tìm "mỏi mắt" cũng không thấy những ngôi nhà thuần Việt với kiến trúc truyền thống, thay vào đó là những nhà cao tầng san sát xen lẫn những ngôi biệt thự đắt tiền.
Anh Nguyễn Đình Long, chủ nhân ngôi nhà 3 tầng khang trang phía đầu làng chia sẻ: "Đất đai ngày một đắt đỏ và ít đi nên gia đình tôi đành phải xây nhà cao tầng để có thêm nhiều diện tích sinh hoạt". Còn theo ông Hoàng Đức Hào, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Trung thì do không có quy hoạch nên các hộ dân trong xã đều xây nhà theo sở thích, "mạnh ai nấy làm" nên có hàng trăm kiểu kiến trúc khác nhau. Những ngôi nhà truyền thống đang ngày càng ít đi, nhà cao tầng cứ mọc lên ngày càng nhiều.
Sau hơn 20 năm đổi mới, đời sống của đa số nông dân đã khá lên, diện mạo nông thôn Việt Nam có nhiều thay đổi, nhiều ngôi nhà mới khang trang tô đẹp bức tranh làng quê Việt. Tuy nhiên, tác động của cấu trúc xã hội, qui hoạch dân cư và quá trình đô thị hóa đã làm biến dạng không gian, đánh mất vẻ đẹp truyền thống trong kiến trúc nhà ở nông thôn. Trong khi quy hoạch đô thị đã và đang được các cấp quản lý quan tâm thì các vùng nông thôn - nơi chiếm khoảng 70% dân số cả nước lại ở trong tình trạng ngược lại, hầu như chưa được quy hoạch.
Cần có quy hoạch trong kiến trúc nông thôn
Kiến trúc nông thôn không chỉ là không gian sống mà còn là không gian văn hóa truyền thống. Đã đến lúc đặt vấn đề bảo tồn và phát huy những làng cổ có giá trị không kém gì những khu phố cổ. GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam thừa nhận: Trước nay, chưa có một cơ quan nào, một tài liệu nào hướng dẫn người nông dân xây nhà làm sao cho phù hợp cũng như chưa có tổ chức, cá nhân nào giới thiệu một mô hình làng đẹp thôn quê.
Người nông dân vì nhiều lý do khác nhau nên đã ít lựa chọn kiểu kiến trúc truyền thống khi xây dựng, tạo nên sự hỗn độn, phá vỡ khung cảnh thôn quê vốn nền nã, nhuần nhị. Do đó, các ngành chức năng cần vào cuộc để giữ lại và phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của làng quê Việt.
Trong đó, vấn đề bảo tồn, phát triển kiến trúc nông thôn cần được coi trọng để ngăn chặn sự phát triển xô bồ. Kiến trúc nông thôn đang đứng trước những vấn đề về mô hình, quy hoạch, thiết kế, kiến trúc, tổ chức cuộc sống cộng đồng, duy trì môi trường cảnh quan, bảo vệ môi trường... những vấn đề gay gắt không kém các đô thị.
Tại cuộc hội thảo chuyên đề về kiến trúc nông thôn Việt Nam trong thời kỳ đổi mới do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cũng đã gợi ý các giải pháp về kiến trúc nông thôn, xác định mô hình kiến trúc hợp lý, mang tính hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc để chuyển tải đến nông dân và các vùng nông thôn.
Vấn đề quy hoạch không gian làng nên giao cho cơ sở đảm nhiệm, có tập huấn hướng dẫn, phổ biến tiêu chuẩn, mô hình mẫu. Chỉ như vậy việc quy hoạch nông thôn mới được "xã hội hóa" để nhân dân tham gia chuẩn bị không gian sống cho chính mình, trên cơ sở quy định chung, chuẩn hóa nhà nước về quy mô, tiêu chuẩn các công trình hạ tầng, công trình công cộng...
Đối với nông thôn, không thể áp đặt một kiểu kiến trúc cho mọi ngôi nhà như kiểu những khu đô thị mới. Bởi mỗi vùng sẽ có sắc thái riêng nhờ địa thế, tập quán sống khác nhau. Vì vậy, việc thiết lập quy hoạch tổng thể cho không gian làng dựa trên cơ sở thực tế từng địa phương, cũng như việc tìm ra mô hình kiến trúc nhà ở thực sự hợp lý cho nông thôn hiện đại, sẽ giúp cho không gian làng truyền thống tìm được vị trí trong sự phát triển hướng tới tương lai.
Theo Hà Nội Mới
- 0
- By Admin
- 20/01/2009
- 17