Kiến nghị gỡ rối trong cấp một giấy mới
“Việc tạo ra cơ chế thông thoáng cho dân trong lĩnh vực quản lý đất đai là rất đúng, rất thiết thực. Song khi ban hành văn bản hướng dẫn liên quan cần quán triệt quan điểm cấp chung một giấy để tạo thuận lợi cho dân và chính quyền chứ không đơn thuần chỉ là chuyển đổi cơ quan phụ trách việc cấp giấy”. Đoàn ĐBQH Tp.HCM bày tỏ trong văn bản báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (giấy chứng nhận) theo các quy định hiện hành.Cải tiến lại khó hơn quy định cũ
Đoàn ĐBQH Tp.HCM cho biết QH thông qua Luật số 34 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật đầu tư xây dựng cơ bản (thống nhất một giấy chứng nhận cho đất, nhà và tài sản gắn liền trên đất) là nhằm mục đích thống nhất đầu mối cấp giấy, giảm bớt thủ tục, chi phí cho cơ quan quản lý cũng như người được cấp giấy. “Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy quá trình triển khai có nhiều vướng mắc, trong đó có một số thủ tục bị cơ quan nhà nước lẫn người dân đều cho rằng không rõ ràng, có phần nhiêu khê hơn trước đây, làm ảnh hưởng đến tiến độ cấp giấy” - cơ quan này nhận xét. Theo đó, quy trình thủ tục của Nghị định 88 và Thông tư 17 (hướng dẫn Luật số 34) bị đánh giá là thiếu thực tế, lòng vòng và dễ dẫn đến tranh chấp khiếu nại.
Đoàn ĐBQH Tp.HCM dẫn chứng một số quy định cụ thể, chẳng hạn quy định cấp giấy chứng nhận cho các đồng sở hữu. Theo quy định cũ, nếu có nhiều người đồng sở hữu thì cũng chỉ cấp một giấy chứng nhận, trên đó nêu thông tin các đồng sở hữu, thừa kế. Nay theo Nghị định 88, nếu có nhiều đồng sở hữu thì phải cấp cho mỗi người một giấy chứng nhận trên cùng một vị trí nhà đất. Nội dung từng giấy không thể hiện đầy đủ số lượng, tên họ các đồng sở hữu, đồng thừa kế khác. Do đó khi chuyển nhượng, cơ quan công chứng phải liên hệ cơ quan cấp giấy để xác định cụ thể đầy đủ tên, số lượng các đồng sở hữu mới có thể thu thập đủ số lượng giấy chứng nhận đã cấp cho căn nhà này. “Quy định này vừa mất thời gian, tốn kém không cần thiết, vừa không chặt chẽ, dễ dẫn đến các vụ lừa đảo khi một mảnh đất có thể thế chấp nhiều nơi” - Đoàn ĐBQH Tp.HCM góp ý.
Người dân đang làm thủ tục giấy tờ nhà đất tại UBND quận Tân Bình, Tp.HCM. Ảnh: HTD
Kiến nghị cấp giấy cho dự án nhà ở dở dang
Trong báo cáo, Đoàn ĐBQH Tp.HCM kiến nghị Ủy ban Thường vụ QH chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường giám sát và đề nghị Chính phủ có báo cáo riêng vấn đề này tại kỳ họp thứ tám QH khóa XII, bố trí thời gian thỏa đáng để các đại biểu thảo luận. Cạnh đó, kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát, tháo gỡ các vướng mắc để tạo thuận lợi cho người dân, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy.
Đoàn ĐBQH kiến nghị UBND Tp.HCM chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát để sửa đổi Quyết định 54/2007 về trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận cho phù hợp quy định hiện hành. (được biết, Sở Xây dựng TP đã có văn bản báo cáo vấn đề này thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường.) Đặc biệt, Đoàn ĐBQH hết sức quan tâm đến vấn đề ách tắc giấy chủ quyền do chủ đầu tư các dự án không hoàn tất cơ sở hạ tầng được.
“Nếu do lỗi của các chủ đầu tư và lỗi của cơ quan nhà nước quản lý không chặt chẽ dẫn đến dự án không đạt yêu cầu mà không xem xét cấp giấy chứng nhận sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi, nhu cầu chính đáng của người dân”, văn bản nêu. Từ đó, Đoàn ĐBQH Tp.HCM kiến nghị TP tăng cường quản lý nhà nước, thẩm định chặt chẽ, ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư ngay khi có quyết định giao đất. Đồng thời, phải chế tài mạnh các chủ đầu tư vi phạm, không giao dự án mới. Với các dự án đang dang dở, cần tập trung tháo gỡ vướng mắc cho từng trường hợp cụ thể, nếu hạ tầng đã hoàn thiện các hạng mục cơ bản như điện, nước, chiếu sáng, bó vỉa, đường nội bộ…để đảm bảo nhu cầu tối thiểu của người dân, có thể kết nối với hạ tầng xung quanh thì có thể cấp giấy mà không đòi dự án hoàn thiện 100%.
Doanh nghiệp bất động sản cũng khổ Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản theo quy định hiện hành cũng bị đánh giá khó khăn hơn trước. Nghị định 88 yêu cầu hồ sơ cấp giấy loại này phải nộp ở Văn phòng Đăng ký QSDĐ thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. Cơ quan này mới chuyển hồ sơ cho UBND quận, huyện để cấp giấy, khi cấp xong lại chuyển trả ngược lại để VP này giao trả giấy chứng nhận cho người mua. So với quy trình cũ, cách làm này vừa làm tăng thời gian, vừa gây khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản. |
(Theo PLTPHCM)
- 166
- By Admin
- 10/09/2010
- 17