Kiểm soát TTHC về nhà đất không đơn giản!
“Nơi bảy, nơi ba”…
Tại buổi làm việc về công tác kiểm soát TTHC tại Sở Xây dựng Hà Nội, ông Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng phòng Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ cho biết: “Năm ngoái tôi đi xin giấy phép xây dựng (GPXD) ở huyện Từ Liêm yêu cầu ba loại giấy tờ thủ tục, còn ở quận Cầu Giấy thì lại đòi bảy loại, trong khi qui định chuẩn là ba loại”.Phản ánh trên cho thấy có sự “vênh” nhau về yêu cầu thủ tục hồ sơ, giấy tờ khi giải quyết cùng một TTHC tại các đơn vị. Do đó, bên cạnh yêu cầu đẩy mạnh CCHC, UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm việc kiểm soát TTHC. Qua các buổi làm việc mới đây của Đoàn công tác do Văn phòng UBND TP phối hợp với Sở Nội vụ thực hiện tại các Sở VH-TT&DL, Xây dựng, Kế hoạch - Đầu tư và Sở NN&PTNT cho thấy, việc kiểm soát TTHC của Hà Nội vẫn còn nhiều trục trặc.
Sở NN&PTNT là đơn vị khá tiêu biểu trong việc rà soát bộ TTHC thuộc thẩm quyền. Hiện Sở đang thực hiện các điều kiện cần thiết để đưa toàn bộ 79 thủ tục lên trang thông tin điện tử, giảm thời gian tiếp nhận và trả kết quả từ bảy ngày làm việc xuống còn năm ngày đối với thủ tục trình phê duyệt chủ trương đầu tư; đề nghị TP hủy bỏ thủ tục thẩm định, trình phê duyệt kế hoạch đấu thầu vì trùng với thủ tục thẩm định và phê duyệt kế hoạch đấu thầu đối với những dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Sở NN&PTNT...
Tương tự, Sở VHTT&DL, Sở Xây dựng đã thực hiện giảm thời gian giải quyết nhiều thủ tục. Thậm chí, đối với một số giấy tờ, cá nhân, tổ chức khi nộp hồ sơ chỉ phải mang theo bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính để đối chiếu thay vì phải mang theo bản chính để đối chiếu như trước đây. Sở Xây dựng sau khi rà soát, đã bãi bỏ 4 TTHC, đề nghị bổ sung mới 9 thủ tục, chỉnh sửa bổ sung 13 thủ tục và đề nghị công bố danh mục TTHC thuộc Sở Xây dựng giải quyết gồm 28 thủ tục. Sở KH-ĐT từ chỗ công bố 250 thủ tục, nay rà soát lại chỉ còn 167 thủ tục…
Kiểm tra công tác CCHC tại UBND thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên |
Lúng túng!
Tại buổi làm việc với Sở VHTT&DL, ông Doãn Văn Ất, thành viên Tổ công tác thực hiện Đề án 30 của TP đã cho rằng, tất cả các giai đoạn của Đề án 30 (thống kê, rà soát, thực thi các khuyến nghị đơn giản hóa TTHC), Sở VHTT&DL đều làm chậm. Sở VH-TT&DL báo cáo kết quả đơn giản hóa TTHC khá cao, nhưng thực tế lại chỉ là việc “đổi tên” thủ tục…Ngay với Sở NN&PTNT - đơn vị được đánh giá là có ý thức thực hiện công tác kiểm soát TTHC, nhưng vẫn chưa có kết quả đánh giá tác động TTHC. Sở hiện cũng đang lúng túng trong việc cân đối giữa bố trí, đầu tư cơ sở vật chất với số lượng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính tại “một cửa” vì chỉ có 43/79 TTHC tiếp nhận và giải quyết tại Sở (các thủ tục còn lại do các Chi Cục trực thuộc và giải quyết), mà cả 43 thủ tục này công dân đều ít có nhu cầu giao dịch. Tính đến hết tháng 4-2011, Bộ phận “một cửa” của Sở NN-PTNT chỉ tiếp nhận và giải quyết 38 hồ sơ (trung bình mỗi tháng giải quyết chưa đến 10 hồ sơ). Vì vậy, nếu cứ đầu tư xây dựng Bộ phận “một cửa” theo đúng tiêu chuẩn (diện tích 40m2, bố trí đầy đủ cơ sở vật chất, phân công cán bộ chuyên trách trực đều đặn) quả là lãng phí…
Theo Thông tư của Bộ Xây dựng thì Sở Xây dựng sẽ thẩm định các dự án đầu tư phát triển nhà ở nhưng Quyết định 37 của UBND TP (được ban hành trước khi có Thông tư một tháng) thì lại qui định các dự án thuần nhà ở do Sở Xây dựng thẩm định, còn dự án nhà ở nhưng có liên quan đến đầu tư kinh doanh thì do Sở KH-ĐT thẩm định. Hai qui định “vênh” nhau này khiến Sở Xây dựng chưa dám triển khai thực hiện mà đang phải báo cáo UBND thành phố để quy rõ lại trách nhiệm…
(Theo PL&XH)
- 0
- By Admin
- 27/05/2011
- 17