Kiếm bộn tiền từ việc biến ki-ôt thành nhà ở
TTTM, siêu thị chỉ là một lớp vỏ bóng bẩy để ngụy trang cho kế hoạch biến ki-ốt thành nhà. Phải chăng đây chính là một kiểu kinh doanh bất động sản trá hình?Siêu sản phẩm "ki-ốt kiêm nhà ở" đang đắt khách trong thời điểm thị trường bất động sản đóng băng. |
Từ biến ki-ốt thành nhà đến tham vọng xin cấp sổ hồng
Nằm ở vị trí "vàng" ngay trên quốc lộ 1A, thuộc hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và sát với chợ Vôi (thị trấn Vôi - Lạng Giang - Bắc Giang), Trung tâm thương mại (TTTM) thị trấn Vôi (do Công ty CP tập đoàn HDB Việt Nam làm chủ đầu tư) được ví như một miếng bánh béo bở khiến bao người thèm muốn.Có tổng số vốn đầu tư khoảng 157 tỷ đồng, điểm nhấn thu hút các nhà đầu tư vào dự án này là sản phẩm: "Ki-ốt kiêm nhà ở". Theo đó, bên cạnh khu chợ trung tâm, một khu ki-ốt nằm liền kề bao quanh các mặt tiền của chợ trung tâm (khoảng 34 ki-ốt được thiết kế 1 tầng rưỡi, diện tích sử dụng khoảng 20m2 và 116 ki-ốt được thiết kế 2 tầng rưỡi, diện tích sử dụng khoảng 60 - 80 m2) được dựng lên như một căn nhà khép kín đầy đủ tiện nghi có chức năng vừa buôn bán vừa ở. Mặc dù mới bước vào giai đoạn 2 của dự án, nhưng với mức giá trung bình từ 600 - 800 triệu đồng, các ki-ốt ở TTTM chợ Vôi đang trở thành điểm nóng của thị trường bất động sản, hiện tại 1/3 sản phẩm ki-ốt kiêm nhà ở đã có chủ.
Trong vai người đang có nhu cầu tìm ki-ốt kinh doanh nhưng phải là nhà ở, chúng tôi được nhân viên Phạm Quang H. (thuộc Công ty CP tập đoàn HDB Việt Nam) giới thiệu khá chi tiết về chức năng đặc biệt của 4 khu ki-ốt có thiết kế 2 tầng rưỡi. Theo lời H. điểm khác biệt của các ki-ốt này là chủ nhân của nó dùng tầng một để kinh doanh, 1,5 tầng còn lại để ở. Vì nét đặc trưng này, nên công ty hoàn thiện như một căn nhà. Đúng ra gọi là nhà liền kề, nhưng vì nằm trong khu TTTM nên gọi là ki-ốt cho đúng thuật ngữ.
H. cũng cho hay: "Ki-ốt chỉ có hóa đơn, hợp đồng mua bán, gian hàng bán hàng có thời hạn 50 năm chứ không có sổ đỏ. Tùy điều kiện kinh tế người mua đóng một lần hoặc chia theo từng đợt tương ứng với tiến độ dự án. Nếu đóng ngay 100% khách hàng sẽ được chiết khấu 15% giá trị hợp đồng. Giá các ki-ốt dao động từ 600-800 triệu đồng tùy thuộc vào vị trí".
Theo tìm hiểu của PV báo Người đưa tin, với tên gọi là Dự án TTTM chợ Vôi, toàn bộ các công trình của dự án đều phục vụ mục đích kinh doanh. Nhưng khi có trong tay giấy phép xây dựng ki-ốt chiều cao 2,5 tầng, Công ty CP tập đoàn HDB đã nghĩ ra chiêu giới thiệu đến khách hàng đặc sản "hai trong một" với giá trị pháp lý hết sức lập lờ.
TTTM chợ Lim - nơi điển hình nhất cho món "đặc sản" của Công ty CP tập đoàn HDB. Được khai trương từ đầu năm 2010, chỉ cách trung tâm Hà Nội gần 30km, TTTM chợ Lim hứa hẹn trở thành một trung tâm giao thương quốc tế, chợ đầu mối lớn nhất Việt Nam. Theo lời giới thiệu của ông Phạm Tân Văn, Giám đốc Công ty Thương mại Dịch vụ chợ Lim (Công ty CP tập đoàn HDB) toàn bộ các sản phẩm của TTTM đã bán hết từ vài năm nay. Nếu muốn mua, ông Văn sẽ làm đầu mối trung gian giới thiệu với những chủ nhân ki-ốt muốn bán với mức giá dao động từ 700-900 triệu đồng/ki-ốt. Ông Văn cũng hứa hẹn, trong thời gian tới, công ty sẽ cố gắng làm sổ hồng cho những ki-ốt có thiết kế đặc biệt này.
"Có nhiều dạng ki-ốt, loại 2,5 tầng, loại 3,5 tầng, tùy vào nhu cầu sử dụng cũng như kinh doanh mà khách hàng lựa chọn. Mỗi ki-ốt dạng này bán ra chỉ có hợp đồng mua bán và một hóa đơn xuất một lần", ông Văn cho hay.
Lách luật để... hưởng lợi?
Một chuyên gia xây dựng (xin được giấu tên nhận định: Về mặt hình thức thì nó là TTTM với các ki-ốt bao quanh khu vực chợ trung tâm phục vụ cho việc kinh doanh buôn bán thực chất đã được chủ đầu tư biến thành những căn hộ liền kề. Theo tính toán chi phí xây dựng, mỗi căn nhà được gọi là ki-ốt sẽ hết chừng 200-400 triệu đồng, trong khi chủ đầu tư chào báo mức giá từ 600-900 triệu đồng cho thấy một khoản lợi rất lớn đang chảy vào túi họ.Băn khoăn về tính pháp lý của những ki-ốt kiêm nhà ở, chúng tôi trao đổi với ông Đỗ Mai, PGĐ sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc. Ông cho hay: "Trong tất cả các văn bản pháp luật quy định về xây dựng và quản lý TTTM, không hề có bất cứ một từ nào đề cập đến việc ở. Đây chắc chắn là một dạng đầu tư lách luật của giới kinh doanh bất động sản nhằm hưởng lợi. Tôi nhớ không lầm, đã có lần công ty HDB lên Vĩnh Phúc đặt vấn đề xây chợ, nhưng sau khi Sở nêu quan điểm, không thấy họ quay lại nữa".
Theo ông Mai, một dự án nhà ở thương mại thì phải đóng tiền đất thương phẩm một lần và khi bán sản phẩm phải đóng thêm thuế chuyển nhượng, mua bán. Nhưng ở dự án TTTM phải đóng tiền thuế thuê đất thấp hơn nhiều và có thể đóng vài năm một lần, nên đầu tư xây dựng TTTM nhưng bán ki-ốt như dạng nhà ở là hoàn toàn có lợi cho họ. Ngoài ra, khi đầu tư dự án nhà ở kinh doanh, doanh nghiệp còn phải mất thêm chi phí đầu tư các công trình phúc lợi xã hội như: Trường học, bệnh viện, công viên... Nhưng dự án TTTM thì không mang tính bắt buộc, đó chính là một khoản lợi không nhỏ với chủ đầu tư. Điều đáng bàn, là chỉ có hợp đồng mua bán và hóa đơn chứ không thể cấp sổ đỏ nên rủi ro luôn rơi về những người mua. Không có cái chợ và TTTM nào lại vững chãi đến 50 năm, nên trong quá trình sử dụng hỏng hóc thì ai chịu trách nhiệm?"
(Theo Nguoiduatin)
- 0
- By Admin
- 07/08/2012
- 17