Kích cầu thị trường Vật liệu không nung: Bài toán cạnh tranh về giá
Khó chấp nhận để vật liệu xây “đội giá” công trình
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Một số thông tin phản hồi từ thị trường trong thời gian qua cho rằng, sở dĩ DN chưa mặn mà với VLKN và nhà sản xuất cũng chưa tha thiết vì thói quen tiêu dùng của người Việt Nam không dễ thay đổi. Điều đó chỉ đúng một phần. Người tiêu dùng thông minh đủ thông tin để biết chắc một điều, dùng gạch không nung, họ có điều kiện để tiết kiệm năng lượng điều hòa, giảm tiếng ồn đô thị. Suy cho cùng, nguyên nhân chính khiến thị trường gạch không nung không thể phát triển mạnh chỉ vì giá bán khá cao so với gạch nung.
Một nhà đầu tư tiên phong trong việc kinh doanh gạch không nung cho hay, đưa được sản phẩm đến giới thiệu đã khó, để thuyết phục chủ đầu tư chấp nhận giá bán còn khó hơn dù họ đã bị chinh phục hoàn toàn về chất lượng sản phẩm. Quá trình thuyết phục khách hàng cũng không đơn giản, nào là xây tường mẫu, trát vữa phủ, thử độ ngấm nước, thử tiếng ồn… Chi phí quảng bá lớn nhưng khả năng thu được kết quả như ý rất khó, vì hầu như các chủ công trình vẫn rất ngần ngừ khi phải chi phí một khoản lớn hơn bình thường cho vật liệu xây.
Tại sao gạch không nung lại đắt? Câu trả lời là, đối với vật liệu sản xuất trong nước, phải đầu tư thiết bị công nghệ mới, hàng tiêu thụ ít, công suất thấp dẫn đến giá bán cao là hệ quả tất yếu! Đối với vật liệu nhập khẩu, những mặt hàng được đưa ra chào đều sản xuất từ công nghệ tiên tiến nhất, sản phẩm nhiều ưu điểm nên giá bán cao và đương nhiên chúng cũng rất “kén” khách…
Thiết lập mức giá phù hợp: Không thể phó thác cho DN
Vậy làm thế nào để đưa mức giá bán VLKN xuống mức hợp lý hơn để kích cầu tạo thị trường? Ai cũng biết, Việt Nam có nguồn nguyên liệu đầu vào sản xuất VLKN dồi dào như tro xỉ, tro bay, phế thải xây dựng than cám rất dồi dào, một điều kiện tiền đề để hạ giá thành sản phẩm. Rồi việc giá cả leo thang trong những năm qua cho thấy chính bản thân các doanh nghiệp sản xuất gạch ngói đất sét nung hiện cũng đang “đau đầu” với bài toán tăng giá đầu vào nên hầu hết đều sẵn sàng “cuộc chơi” mới với VLKN nếu thật sự nó mang lại hiệu quả kinh doanh cao hơn. Thời cơ chín muồi sẽ tạo ra thị trường, và bản thân doanh nghiệp sẽ tìm cách đầu tư xây dựng thị trường cho dòng sản phẩm mới.
Tuy nhiên, nếu duy trì sự cạnh tranh với vật liệu nung như hiện nay thì lại là một câu chuyện khác, nó không còn nằm trong vòng “kiểm soát” của DN nữa. Trước hết, thấy ngay rằng nếu vẫn duy trì chính sách đối với vật liệu đất sét nung như hiện nay, nghĩa là đánh thuế tài nguyên đất sét, thuế môi trường rất thấp và không phản ánh được giá trị thật sự của nó thì giá bán giữa hai dòng sản phẩm này càng trở nên chênh lệch, thiếu công bằng. Như vậy ngành VLKN với nhiều ưu điểm không có cơ hội tốt nhất để phát triển, trong khi đó dòng vật liệu đất sét nung với các nguy cơ lớn song hành như mất an toàn đất đai bảo đảm an ninh lương thực, tàn phá môi trường… sẽ vẫn tiếp tục bành trướng với mức độ nguy hại lớn hơn. Mục đích hạ giá thành, kích cầu tạo thị trường cho VLKN, mở đường cho ngành VLKN phát triển đương nhiên cũng sẽ bị kéo dài…
Trước hết, họ cần những thông số dự báo tin tưởng về nhu cầu thị trường, về việc ứng dụng công nghệ sản xuất VLKN với các nguồn nguyên liệu hiện quá đa dạng trên thị trường và trên tất cả là những chính sách ở tầm vĩ mô nhằm tạo một sân chơi lợi thế so với các dòng vật liệu xây khác.
Hiện tại Bộ Xây dựng đang đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, hướng dẫn thi công xây dựng để phát triển và ứng dụng vật liệu xây và ngói lợp không nung. Theo đó, các nhà khoa học cần đưa ra kết quả nghiên cứu để làm rõ vùng nào thì dùng nguyên liệu gì; khuyến cáo quy mô đầu tư, dự kiến suất đầu tư hoặc đưa ra được tổng mức đầu tư dự kiến để doanh nghiệp tham khảo; nghiên cứu xây dựng các phòng thí nghiệm, các chương trình đào tạo và sản xuất thử nghiệm… Đáng mừng là những kết quả nghiên cứu bước đầu đã chỉ ra: Khi đầu tư sản xuất VLKN thì đầu tư xã hội thấp hơn nhưng giá trị sản phẩm không đổi! Đây là cơ sở ban đầu để từ đó đề ra chính sách khích lệ các DN hăng hái nhập cuộc.
(Theo Báo Xây Dựng)
- 292
- By Admin
- 27/08/2010
- 17