• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Khung giá đất Hải Phòng chưa thực tế

Nhiều cách để được đền bù theo giá mới

Tại buổi làm việc lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường với TP Hải Phòng về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cách đây 2 năm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Quang Sản cho biết: Công tác GPMB chỉ thực hiện trong khoảng 2 quý giữa năm (quý 2 và quý 3). Quý 1 thường trùng với dịp Tết Nguyên đán, tiến độ kiểm kê đền bù rất chậm. Đến quý 4, người dân chần chừ không chịu kiểm kê để nghe ngóng giá đất mới.

Những ngày này, hầu hết các tỉnh, thành đều tiến hành công bố giá đất năm 2011. Do vậy, các hộ dân có đất thu hồi thường lấy cơ sở này để tiếp tục kiến nghị được bồi thường theo đơn giá mới. Tình trạng này đang diễn ra ở hầu hết các dự án. Bởi từ khi được phê duyệt hỗ trợ đến khi chi trả tiền đền bù mất thời gian khá dài, chuyển tiếp qua các năm, không có mấy dự án thủ tục gói gọn trong một năm.

Như dự án Khu đô thị mới Ngã năm sân bay Cát Bi, đại diện của Ban quản lý dự án phản ánh: dự án được thực hiện từ năm 2000, đến nay vẫn còn hàng chục hécta đất chưa kiểm kê, tính toán đền bù. Do người dân không chịu kê khai, để chờ đền bù theo giá đất mới với khả năng cao hơn giá đất cũ. Rồi dự án khu đô thị nối đường Lạch Tray với đường Hồ Sen - Cầu Rào 2.

Năm 2004, UBND thành phố quyết định giao đất cho Công ty Vật liệu và Xây dựng thương mại (nay là Công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp thương mại) để thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị nối đường Lạch Tray với đường Hồ Sen - cầu Rào 2 dự án có diện tích thu hồi 126.888m2, 1.077 hộ diện thu hồi; trong đó, 73 hộ dân phường Đông Hải kiến nghị phải có quyết định thu hồi đến từng hộ.

Đường Lê Hồng Phong vẫn còn hàng chục hécta đất chưa được kiểm kê, tính toán do người dân không chịu kê khai, "chờ" đền bù theo giá đất mới.

Giải thích việc này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Quang Sản trả lời: yêu cầu ra quyết định thu hồi đất đến từng hộ xuất phát từ việc để được đền bù theo giá mới. Bởi ra quyết định ở thời điểm nào phải đền bù theo giá đó.

Nên lựa chọn cách nào?

Hiện nay, khi xây dựng giá đất, các địa phương cố gắng không thay đổi lớn giá đất, đặc biệt giá đất nông nghiệp. Nhưng người dân luôn có tâm lý giá đất năm sau cao hơn năm trước nên thường chờ sang năm mới chuyển nhượng, trong khi đó, các doanh nghiệp thì mong muốn bồi thường trước thời điểm ngày 1/1 hằng năm để giảm bớt gánh nặng về tài chính. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút đầu tư và quá trình thu hồi đất rất khó khăn.

Hiện có nhiều ý kiến cho rằng cần quy định giá đền bù và giá đất tái định cư tương thích với giá thị trường. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng việc này rất khó thực hiện. Bởi giá đất trên thị trường luôn biến động. Hơn nữa, hiện nhiều dự án kéo dài, chuyển tiếp qua nhiều năm. Nếu điều chỉnh giá đền bù khiến chủ đầu tư phải nhiều lần điều chỉnh tổng dự toán.

Về vấn đề này, ông Bùi Ngọc Tuân, Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất, Tổng cục Quản lý đất đai có ý kiến: Nên xây dựng bảng giá đất theo hướng 5 năm một lần. Quan điểm này nhận được sự quan tâm của nhiều địa phương. Bởi theo kết quả khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong năm 2011, mức giá đất được xác định lại theo Điều 11, Nghị định 69 ở 15 tỉnh cao hơn từ 1,3-3 lần so với mức giá đất cùng loại trong bảng giá đất của UBND tỉnh ban hành. Giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường bao giờ cũng có sự chênh lệch so với khung giá đất do Chính phủ quy định và của địa phương ban hành ở tất cả các loại đất, nhất là đất ở đô thị và đất nông nghiệp.

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành đánh giá kết quả sau sáu năm thi hành Luật Đất đai trên phạm vi toàn quốc. Qua đó, những vướng mắc không chỉ về vấn đề xây dựng giá đất, định giá đất mà kể cả về các cơ chế chính sách trong bồi thường, hỗ trợ tái định cư, trong chính sách giao đất, quy hoạch sử dụng đất... sẽ được ghi nhận để nghiên cứu sửa Luật Đất đai trong thời gian tới.

(Theo CAND)

  • 0
  • By Admin
  • 29/12/2010
  • 17