• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Khu đô thị Phú Quang, Bình Dương: Chỉ là "bánh vẽ" để câu vốn

Sau nhiều năm dự án "trùm mền", khi tỉnh Bình Dương thu hồi dự án, Phú Quang đã ôm tiền... bỏ trốn.

Năm 2004, UBND huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương chấp thuận cho Cty Phú Quang (Đ/c 837B, tỉnh lộ 43, KP5, phường Tam Bình, quận Thủ Đức, Tp.HCM) thực hiện dự án khu dân cư đô thị mới Phú Quang với quy mô quy hoạch được duyệt hơn 31ha, trong đó 14 ha là đất ở. Cuối tháng 11/2004, tỉnh Bình Dương ban hành quyết định 8835/QĐ-CT thu hồi trước 8,8ha/31ha của các hộ dân và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dự án khu dân cư  Phú Quang. Theo quyết định trên, chủ đầu tư có nghĩa vụ thi công cơ sở hạ tầng trước tháng 11/2005.

Khu đô thị Phú Quang, Bình Dương: Chỉ là "bánh vẽ" để câu vốn | ảnh 1
Dự án khu Đô thị Phú Quang hiện vẫn là bãi hoang

“Trùm mền” dự án

Từ năm 2003 đến nay, có tổng cộng 139 khách hàng góp vốn, hầu hết đã hoàn thành khoảng 60 - 70% giá trị hợp đồng, ước khoảng 20 tỉ đồng. Các hợp đồng được lập với khách hàng do ông Phạm Thanh Hải – TGĐ Cty Phú Quang ký. Đáng lưu ý, ngay từ thời điểm dự án mới được chấp thuận chủ trương (1/2003), Phú Quang đã tiến hành huy động vốn của 5 khách hàng dưới dạng “hợp đồng hợp tác đầu tư”. Ông Vũ Trí Hưng một DN tại Thủ Đức, Tp.HCM, là người mua nhiều nền đất tại dự án này cho biết: “Tôi mua 44 nền đất và đã đóng 70% giá trị hợp đồng. Lúc đó, ông Phạm Thanh Hải hứa ngay sau khi khách hàng góp vốn làm hạ tầng sẽ giao nền, sổ đỏ trong vòng 1 năm nhưng sao đó nhân viên Cty liên tục báo giám đốc đi vắng, đi nước ngoài...”.

Ngoài những khách hàng góp vốn, đối tượng thứ hai bị liên lụy là những người hoán đổi đất (ở, nông nghiệp) lấy nền thổ cư tại dự án. Theo tìm hiểu của DĐDN, trong số 8,7 ha được tỉnh Bình Dương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Phú Quang chỉ đền bù khoảng 3,7 ha (giá bồi thường xấp xỉ 200.000 đồng/m2), diện tích còn lại chủ yếu là thỏa thuận đổi đất nông nghiệp lấy nền thổ cư. Điển hình như ông Phan Văn Bỉ (phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An, Bình Dương) giao toàn bộ diện tích 1.896m2 đất nông nghiệp đang canh tác cho chủ đầu tư để hoán đổi 2 nền và 177 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Anh (Thuận An, Bình Dương) hoán đổi ngang mảnh đất diện tích 4.030m2  lấy 5 nền. Tất cả các trường hợp hoán đổi đất phải bàn giao sổ đỏ cho Phú Quang nắm giữ tại thời điểm ký hợp đồng.

Thông tin dự án bị ém... “siêu lừa” thêm chiêu

Sau 3 năm, tháng 12/2007, UBND tỉnh Bình Dương ra quyết định thu hồi dự án vì thời gian triển khai chậm so với thời gian quy định. Đồng thời, giao cho Sở Xây dựng, UBND huyện Thuận An quản lý khu vực quy hoạch và tìm kiếm nhà đầu tư tiếp tục thực hiện dự án theo quy hoạch.

Việc UBND tỉnh Bình Dương thu hồi dự án là hợp lý, đúng chủ trương. Tuy nhiên quyết định này đã đẩy những khách hàng góp tiền, đất tham gia dự án đứng trước một nguy cơ hết sức rủi ro. Bất lợi trước hết là Phú Quang không có thiện chí theo đuổi dự án. Hơn nữa, là chủ dự án có tổng mức đầu tư gần 100 tỉ đồng, vốn tự có của Phú Quang dường như không có, bởi ngay cả “trụ sở” của Cty này cũng đang thế chấp cho Ngân hàng Đông Á. Những ngày gần đây, hàng trăm khách hàng đã tìm đến trụ sở của Cty Phú Quang nhưng ông Phạm Thanh Hải đã biệt tích.

Được biết, từ năm 2006, sau khi nhận được đơn thư người dân “tố” giám đốc Cty Phú Quang có hành vi lừa đảo, lợi dụng chiếm đoạt tài sản, UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra nhằm xử lý sai phạm, khắc phục những tồn tại của dự án. Dù vậy, nhiều khách hàng không thể tiếp cận được kết luận thanh tra. Sự việc động trời đến mức khi tỉnh Bình Dương có quyết định thu hồi dự án, chủ đầu tư lẫn cơ quan quản lý “quên” thông báo cho những người đã góp tiền, đất vào dự án trên. Chính vì thông tin thu hồi dự án bị ém nhẹm, do đó trong năm 2008 có ít nhất 10 khách hàng ký hợp đồng hợp tác đầu tư vào dự án “ma” của Phú Quang. Ngoài ra, vị giám đốc “siêu lừa” này còn đem giá trị quyền sử dụng đất của dự án thế chấp cho Cty Tài chính Dầu khí – chi nhánh Tp.HCM và đơn vị này giải ngân trót lọt 43 tỉ đồng.

Hiện hàng trăm khách hàng, người dân đã cùng gửi đơn cầu cứu đến UBND tỉnh Bình Dương.

Được biết, ngày 15/5, Chi cục thi hành án dân sự quận Thủ Đức, TPHCM đã tiến hành kê biên, xử lý tài sản của ông Phạm Thanh Hải nhằm xử lý khoản nợ thế chấp. Trước đó, ngày 2/5, Chi cục thi hành án dân sự quận Thủ Đức đã có văn bản gửi Cục quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an đề nghị cơ quan này ngăn chặn xuất nhập cảnh đối với ông Phạm Thanh Hải - GĐ Cty Phú Quang để phục vụ công tác thi hành án, buộc ông Hải trả cho Ngân hàng TMCP Đông Á – chi nhánh quận 9 số tiền hơn 4,7 tỉ đồng và tiền lãi.

(Theo DĐDN)

  • 0
  • By Admin
  • 07/06/2012
  • 17