Khu đô thị Nam Trung Yên: Bất cập chất lượng và quản lý
Chuồng nuôi gà giữa chung cư cao tầng. Ảnh: VA |
Dân kêu trời
Khu tái định cư Nam Trung Yên là dự án trọng điểm, phục vụ nhu cầu di dân giải phóng mặt bằng của TP Hà Nội để phát triển hệ thống hạ tầng đô thị.
Theo quy hoạch, dự án được đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng trên diện tích 56,4 ha này sẽ đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khoảng 22.500 người với đầy đủ hệ thống điện nước, trường học, khu thương mại, khuôn viên cây xanh, nhà để xe... đảm bảo điều kiện, chất lượng sống của một khu đô thị hiện đại.
Lý thuyết là vậy, nhưng 5 năm từ khi khu chung cư này đi vào sử dụng, những vấn đề liên tục nảy sinh khiến người dân kêu trời. Tại phòng 203 tòa nhà B11A, chúng tôi được một số hộ dân chia sẻ những bức xúc về chất lượng hạ tầng kỹ thuật, vấn đề an ninh, vệ sinh môi trường... đã tồn tại rất lâu mà chưa được giải quyết.
Bà Phạm Thị Thục – Tổ trưởng tổ dân phố 62 cho biết, hệ thống chiếu sáng ngoài trời ở khu dân cư này hiện không hoạt động. Cứ tối đến, nhiều gia đình phải tự nối dây, treo bóng đèn ra ngoài trời để thắp sáng cho trẻ con chơi đùa và người lớn đi lại cho an toàn, dù các cột đèn dưới chân tòa nhà và lối đi trông vẫn rất “ngon lành”.
Lý do được người dân nói rất đơn giản: Lấy đâu ra điện mà sáng! Dĩ nhiên, đèn điện của bà con “câu” ra ngoài cũng chỉ giảm phần nào những vụ sập hố ga, lao xe lên vỉa hè, vốn là... chuyện thường.
Cũng vì vậy mà tình hình an ninh là vấn đề người dân đặc biệt quan tâm. Ông Trần Văn Đam (phòng 203) và bà Nguyễn Thị Thái Lan (phòng 603) ở tòa nhà B11A vô cùng bức xúc khi kể với chúng tôi về những “vận đen” mà người thân của họ gặp phải.
Cách đây vài tháng, con gái bà Lan bị cướp khi chỉ còn cách nhà mấy chục mét. Do đường tối, khó quan sát, lại phải đề phòng hố ga mất nắp, người điều khiển phương tiện chỉ dám đi chậm, không đủ cảnh giác được với người lạ nên những đối tượng trộm cướp càng dễ dàng hoạt động.
Ngoài vấn đề điện chiếu sáng và an ninh trật tự, PV Báo GĐ&XH còn được chứng kiến việc... nuôi gà của các hộ dân tại đây. Cạnh một gốc cây dưới chân tòa nhà B11B có vài chiếc lồng gà bày la liệt, ngỡ rằng các hộ dân tại đây được phục vụ “gà quê” tận nhà, nhưng hỏi ra mới biết đó là gà nuôi. Buổi tối, họ nhốt vào trong hầm tòa nhà, rồi ban ngày lại đem thả ra các bồn hoa, gốc cây...
Thang máy của một số tòa nhà đang ở mức “tậm tịt”, chỉ có 1 trong 2 cái hoạt động được. Cảnh quan môi trường cũng hết sức... hoang sơ, bồn hoa cây cảnh chưa được hoàn tất, có chỗ còn được người dân tận dụng để làm vườn rau. Cống thoát nước của khu vực này hoạt động không tốt. Cả khu dân cư lớn nhưng chưa có trường mầm non, bãi gửi xe tập trung, khu thương mại.
Bảo vệ của chủ đầu tư và bảo vệ của Xí nghiệp Quản lý và khai thác dịch vụ đô thị cùng hoạt động. Nhiều hạng mục công trình nằm trong dự án vẫn đang được triển khai... Để tự “cứu” mình, nhiều tổ dân phố đành quyên góp tiền để làm những phần việc mà lẽ ra họ phải được phục vụ một cách tận tình.
Vô chủ thì ai lo?
Trước kiến nghị của người dân, ngày 25/11 vừa qua, UBND phường Trung Hòa (Cầu Giấy) đã chủ trì cuộc họp với đại diện các hộ dân và đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội (chủ đầu tư), Xí nghiệp Quản lý và khai thác dịch vụ đô thị (Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội – đơn vị quản lý các nhà chung cư ở Nam Trung Yên) cùng nhiều ngành, cơ quan khác. Ngày 1/12, Sở Xây dựng đã yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm tra và sửa chữa sự cố, hỏng hóc tại các tòa nhà, chấn chỉnh đội ngũ nhân viên quản lý, bảo vệ... Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tình hình vẫn y nguyên.
Ngày 21/12, ông Lương Văn Hữu – Giám đốc Xí nghiệp quản lý và khai thác dịch vụ đô thị cho biết, hiện ông còn chưa biết dân ở khu Nam Trung Yên có bao nhiêu người. Dựa trên báo cáo tình hình của xí nghiệp này, thành phố đã chủ trì một cuộc họp với đầy đủ các ngành, đơn vị liên quan đến dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư Nam Trung Yên.
“Đến thời điểm hiện tại, thậm chí ngành điện, nước còn chưa vào cuộc. Người dân phải sử dụng điện, nước... thi công. Nhiều lần Xí nghiệp quản lý và khai thác dịch vụ đô thị phải chở nước sạch đến cung cấp cho người dân”. Ông Lương Văn Hữu – Giám đốc Xí nghiệp quản lý và khai thác dịch vụ đô thị |
Sự chậm chạp của 2 đơn vị chịu trách nhiệm chính của dự án này là Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội và Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị, khiến việc bàn giao chưa thể xong sau nhiều lần hứa và thất hứa, dù đã có chỉ đạo của thành phố. Vì thế, các đơn vị liên quan đều bị động, khó thực hiện công việc của mình, tạo ra hàng loạt những bất cập. Và khổ nhất vẫn là các hộ dân sinh sống tại khu chung cư này.
(Theo GiadinhNet)
- 0
- By Admin
- 22/12/2010
- 17