• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Khu đô thị 8000 dân không có...trường học

Tất cả diện tích có được đều ưu tiên cho kinh doanh. Những khu nhà ở, khu đô thị chỉ biết xây nhà bán, phớt lờ trường học như thế đang tạo gánh nặng rất lớn với hệ thống giáo dục tại các quận, huyện.
Khu đô thị 8000 dân không có...trường học | ảnh 1
Được tô vẽ hoành tráng nhưng một dự án nhà ở Phú Mỹ (xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội) lại “quên” thiết kế trường học

Khu ở 8.000 dân “quên” trường học

Bộ Xây dựng vừa công bố kết quả kiểm tra công tác phát triển nhà ở tại 18 dự án đô thị tại Hà Nội. Trong đó, có các dự án đình đám như Khu đô thị mới Mỹ Đình, Định Công, Việt Hưng, Văn Quán, Pháp Vân - Tứ Hiệp... Thế nhưng, tất cả các dự án đều bị chậm tiến độ thực hiện từ 1 đến 3 năm (như các dự án Khu Đô thị mới Quang Minh, Khu đô thị Ciputra), cá biệt có những dự án chậm tới 5 năm (như Khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh). Có dự án đã bàn giao nhà và người dân đã về ở nhưng vẫn chưa hoàn thành việc đầu tư xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật như chưa cấp điện, nước đúng như dự án đầu tư được phê duyệt.

Không những vậy, việc xây dựng các công trình hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, công viên, khu vui chơi, khu thương mại dịch vụ, các dịch vụ và tiện ích công cộng phục vụ nhu cầu dân sinh hầu hết chưa được đầu tư đồng bộ theo dự án đầu tư được phê duyệt. Một số dự án đã hoàn thành phần lớn các hạng mục nhà ở, dân cư đã vào ở nhiều năm mà vẫn chưa có trường học và bệnh viện và các tiện ích công cộng. Đây là một cản trở lớn trong việc đưa dự án vào vận hành khai thác đồng bộ, khiến người dân muốn về ở nhưng lại ngại vì không đủ điều kiện sống.

Không chỉ những khu đô thị đã xây dựng từ vài năm trước cố tình quên trường học, các khu nhà ở, khu đô thị mới ở Hà Nội đang trong quá trình quy hoạch, chuẩn bị đầu tư hiện nay cũng đang đi theo lối mòn cũ. Đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu nhà ở Phú Mỹ, thuộc địa phận xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm và phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy là một ví dụ. Với diện tích đất quy hoạch hơn 10ha và quy mô dân số khoảng 7.732 người, khu nhà ở Phú Mỹ nằm ngoài vành đai 3, lân cận với các dự án đầu tư đã và đang triển khai như khu đô thị mới Mỹ Đình I, Mỹ Đình II...

Theo đồ án, khu nhà ở sẽ có ít nhất hai tổ hợp công trình cao từ 21-45 tầng có phần đế rộng cao 4 tầng nối liền các khối nhà cao tầng... Quy mô hoành tráng là thế nhưng trong khuôn viên dự án chỉ có hạng mục nhà trẻ chứ không thấy bóng dáng trường tiểu học hay THCS... Trong khi đó, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch do Bộ Xây dựng ban hành, đất công trình giáo dục mầm non và THCS phải đạt tối thiểu 2,7 m2/người...

Không thể bỏ mặc người dân

Về dự án nói trên, ông Lưu Quang Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Đình tỏ ra lo ngại bởi “dự kiến với số dân khoảng 7.732 người, chưa tính tới khách vãng lai mà trong quy hoạch không dành đất để xây dựng trường học thì con cháu những người tới ở sẽ học hành ở đâu”. Thêm vào đó, phần diện tích dành cho mẫu giáo cũng quá nhỏ, không thể đáp ứng đủ nhu cầu của gần 8.000 người.

Ông Lưu Quang Tuấn cũng cho biết, các trường học xung quanh Khu nhà ở Phú Mỹ hiện đã quá tải, không thể “gánh” thêm học sinh từ nơi khác đến. Chưa có khu nhà ở này, người dân đã liên tục kiến nghị cần phải xây mới trường công lập để giảm tải cho các trường hiện có. Ông Lưu Quang Tuấn nói: “Cần phải tính toán lại nhu cầu trường học cho khu nhà ở này. Chỉ bố trí mỗi nhà trẻ là không ổn vì dân số rất lớn, tương đương 1 phường trong nội thành chứ không ít”.

Ông Nguyễn Kim Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm cũng cho biết, nhu cầu trường học trên địa bàn Từ Liêm rất cấp bách. Thực tế, đã có nhiều nhà đầu tư xây dựng trường tư thục tại Mỹ Đình - Mễ Trì nhưng chỉ dành cho người có thu nhập cao bởi học phí rất đắt. Kết quả là con em nhà lao động bình thường vẫn không có chỗ học.

Ông Nguyễn Kim Vinh nói thẳng: “Tôi thật bất ngờ khi thấy bản quy hoạch khu nhà ở với gần 8.000 người lại không dành một mét đất nào cho trường học. Nếu nhà đầu tư nào cũng như thế này thì còn đất đâu cho giáo dục. Rõ ràng, cần phải điều chỉnh quy hoạch, bớt diện tích đất thương mại và thêm đất cho văn hóa - giáo dục. Các dự án khác sau này cũng phải như vậy. Dù có là ai cũng nên bớt chút lợi nhuận để chăm lo cho chính khách hàng mua đất nhà trong dự án, không thể bán nhà xong thì bỏ mặc, trút gánh nặng đó cho địa phương...”.

(Theo ANTĐ)

  • 0
  • By Admin
  • 11/06/2011
  • 17