• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Không thể hoàn thành việc cấp giấy đỏ trong năm 2010

Cụ thể, đất chuyên dùng còn trên 40% diện tích chưa được cấp giấy, đất ở đô thị còn trên 30% diện tích chưa được cấp giấy, đất ở nông thôn cũng còn trên 20% chưa được cấp giấy… “Tổng cục Quản lý đất đai đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo với Thủ tướng và Quốc hội điều chỉnh yêu cầu về thời gian và mức độ hoàn thành việc cấp giấy đỏ” - ông Mai Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký và thống kê đất đai, đề nghị tại hội nghị về lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận (GCN) do Tổng cục Quản lý đất đai tổ chức ngày 27-12.

Đẻ thêm giấy tờ

Ngoài việc không thể hoàn thành đúng hạn việc cấp xong giấy đỏ cho toàn bộ đất đai trên toàn quốc, thủ tục đăng ký, cấp giấy đỏ còn phiền hà cho dân, kéo dài thời gian quy định gấp nhiều lần, gây bức xúc trong dư luận. Việc cán bộ nhũng nhiễu còn diễn ra ở nhiều nơi nhưng chưa được ngăn chặn triệt để, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành… “Chẳng hạn, với hồ sơ cấp GCN hoặc đăng ký biến động nhiều nơi còn yêu cầu người dân nộp thêm nhiều giấy tờ trái quy định. Đặc biệt, nhiều nơi đã có bản đồ địa chính hoặc người dân chỉ làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất nhưng cơ quan nhà nước vẫn thực hiện trích đo thửa đất để thu phí” - ông Phấn chỉ rõ.

Người dân đang làm thủ tục giấy tờ nhà đất tại xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: HTD

Để khắc phục tình trạng trên, ông Phấn cho rằng cần chú trọng đến việc cải cách thủ tục hành chính theo hướng một cửa, không được yêu cầu người sử dụng đất nộp thêm các loại giấy tờ hoặc thực hiện thêm các thủ tục mà các nghị định và thông tư hướng dẫn không quy định.

Lãng phí tiền của
3,5 triệu giấy đỏ (số tròn) đã được cấp cho đất ở đô thị tính đến thời điểm này. Đất ở nông thôn cũng đã cấp được gần 11,5 triệu giấy. Đất lâm nghiệp cấp được trên 75% diện tích; đất nuôi trồng thủy sản cấp được trên 83% diện tích.

77.000 giấy đỏ (số tròn) còn tồn đọng chưa trao cho người dân tỉnh Kiên Giang. Tỉnh Nam Định còn trên 42.000 giấy, Cao Bằng còn trên 40.000 giấy…

Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý đất đai, việc đo đạc lập bản đồ địa chính các khu vực đất ở đô thị, đất ở nông thôn và đất nông nghiệp ở các địa phương còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu để hoàn thành cấp GCN vào năm 2010. Do đó, việc cấp GCN hiện nay ở các địa phương vẫn chủ yếu dựa vào sử dụng các loại bản đồ hiện có hoặc phải trích đo độc lập từng thửa đất. Điều này làm tăng chi phí do phải đo vẽ bản đồ địa chính để chuẩn hóa số liệu sau này. “Tình trạng đo vẽ bản đồ địa chính mà không triển khai ngay việc đăng ký cấp giấy mới, cấp đổi giấy và lập hồ sơ địa chính vẫn còn khá phổ biến ở nhiều địa phương. Điều này gây nên sự lãng phí rất lớn cho ngân sách” - ông Phấn cho hay.

Mặt khác, việc chỉnh lý bản đồ địa chính trong quá trình đăng ký, cấp giấy đối với các trường hợp có sai sót, thay đổi thường không được thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, đồng bộ ở các cấp. Điều này gây nên tình trạng có nhiều thửa đất không thống nhất giữa bản đồ với hồ sơ, sổ sách địa chính và GCN.

Nước ngoài thuê đất chủ yếu để trồng rừng

Theo báo cáo, diện tích đất do tổ chức, cá nhân nước ngoài và các tổ chức liên danh với nước ngoài sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh chiếm tỉ trọng thấp (trên 8% tổng diện tích đất sản xuất, kinh doanh). Đặc biệt, trong cơ cấu sử dụng đất của các tổ chức và cá nhân nước ngoài, phần lớn là đất lâm nghiệp thuộc các dự án trồng rừng, chiếm 55% diện tích đất của loại đối tượng này.

(Theo PLTPHCM)

  • 0
  • By Admin
  • 28/12/2010
  • 17