Không thể bắt buộc DN đóng góp vào quỹ tiết kiệm nhà ở
Khi đón nhận thông tin Bộ Xây dựng lại vừa đề xuất doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm đóng góp vào Quỹ tiết kiệm nhà ở, một số chuyên gia bất động sản, nhà doanh nghiệp đã có ý kiến như trên. Theo đó, doanh nghiệp có thể tham gia quỹ này theo hình thức cho quỹ “vay” và được hoàn trả sau một thời gian nhất định. Nếu chỉ người dân đóng góp thì quỹ sẽ rất nhỏ nên phải có sự tham gia của các doanh nghiệp.Nên để tự nguyện
Ông Trịnh Huy Thục, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, cho rằng, hiện nay, việc xây nhà cho người thu nhập thấp được tiến hành rất đại khái. Ông Thục cho biết, Luật Nhà ở quy định nhà ở xã hội là những nhà chỉ có 6 tầng, không có thang máy. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp xây nhà 15 - 20 tầng để bán cho người thu nhập thấp và người mua vào đó hàng tháng phải trả đủ thứ tiền như: tiền thang máy, dịch vụ xã hội… Chuỗi logic để giải quyết vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp bị các doanh nghiệp bỏ qua nên việc người thu nhập thấp trả nợ tiền thuê hoặc thuê mua nhà đã rất khó. Ngoài ra, ở Việt Nam, do chưa có nguồn cung nhà ở dành cho người thu nhập thấp nên chuyện người nghèo đi mua nhà là điều không tưởng. “Người nghèo lo ăn còn chưa đủ lấy đâu tiền mua nhà”, ông Thục nói và cho rằng Quỹ tiết kiệm nhà ở cũng chỉ có thể đầu tư để xây dựng những ngôi nhà để cho thuê hoặc thuê mua và không nên bắt buộc đóng góp. Theo ông Thục, đó chính là sự hỗ trợ của Nhà nước đối với người thu nhập thấp.Chỉ nên khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia đóng góp vào Quỹ tiết kiệm nhà ở. Ảnh: Trung Kiên. |
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Đặng Hùng Võ nêu quan điểm: Quỹ tiết kiệm nhà ở chỉ nên đóng vai trò tự nguyện, nghĩa là ai có nhu cầu thì gửi tiền vào đó và một thời gian có thể được sử dụng. Quy định doanh nghiệp đóng góp vào quỹ cũng chỉ nên khuyến khích, để doanh nghiệp tự nguyện đóng góp và cũng chỉ nên coi đó là một trong những giải pháp để giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp. “Đừng nghĩ rằng Quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ giải quyết dứt điểm nhà ở cho người thu nhập thấp mà chỉ là một trong những giải pháp. Có quỹ này cũng chỉ có thể giải quyết được một số nhất định”, ông Võ nói.
Doanh nghiệp không tồn tại vĩnh viễn
Đề cập việc huy động nguồn vốn của doanh nghiệp vào Quỹ phát triển nhà ở, ông Trịnh Huy Thục cho rằng, ý tưởng đó thiếu tính khả thi. Theo ông Thục, doanh nghiệp có thể tồn tại trong một thời gian nhất định, có thể biến đổi để phù hợp yêu cầu sản xuất. “Hôm nay người ta là một doanh nghiệp, ngày mai có thể sáp nhập hoặc chia tách thành 3 hay 4 đơn vị khác nhau. Đối với một doanh nghiệp chuyện thành lập, phá sản, hay chuyển nghề, đâu có kinh doanh bất động sản mãi mãi?”, ông Thục nói và cho rằng những người đề xuất ý tưởng này không nghiên cứu kỹ mà thường quan niệm doanh nghiệp sinh ra là tồn tại mãi mãi. Vì vậy, “đừng bắt buộc doanh nghiệp bất cứ điều gì”.Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex), chia sẻ: đối tượng đóng góp vào Quỹ tiết kiệm nhà ở hoàn toàn khác với bảo hiểm y tế hay bảo hiểm xã hội. Quỹ tiết kiệm nhà ở là hình thức đóng và cho vay. “Người cần nhà ở thì đóng và người không cần thì họ không đóng. Do vậy, việc huy động áp dụng giống như bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm y tế là không phù hợp. Nếu dự thảo quy định doanh nghiệp cũng đóng góp vào Quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ khó khả thi”, ông Tuân nói.
Theo Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Trần Nam, Bộ Xây dựng vẫn đang nghiên cứu, xem xét đề xuất này trước khi trình Thủ tướng Chính phủ. Và đây mới chỉ là ý tưởng đang được “thai nghén” mà thôi.
Trước khi đề xuất doanh nghiệp cũng phải tham gia, Bộ Xây dựng đã đề xuất với Chính phủ cho phép thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở do Nhà nước quản lý. Quỹ sẽ được xây dựng giống như hình thức bảo hiểm xã hội và mức đóng góp dự kiến 1-2% tổng tiền lương hàng tháng của người lao động. Khi được thành lập, Quỹ sẽ hỗ trợ những người thu nhập thấp vay mua nhà với lãi suất ưu đãi. Riêng những người không có nhu cầu mua nhà, khi về hưu sẽ được rút toàn bộ số tiền đóng góp cộng với lãi suất mang tính hỗ trợ trượt giá. |
(Theo Đất Việt)
- 0
- By Admin
- 15/03/2011
- 17