Không nên dời trung tâm hành chính Thủ đô lên Ba Vì
HĐND Hà Nội đã dành trọn thời gian buổi làm việc để tiếp thu ý kiến của các đại biểu về đồ án Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Theo ông Ngô Văn Ny, quy hoạch chưa tính tới tình hình biến đổi khí hậu khi đặt tầm nhìn tới 40 năm sau. "Nhất thủy nhì hỏa, tôi thấy quy hoạch chưa đề cập tới nguy hiểm do lũ lụt, diện tích và dân cư ngoài đê sẽ thực hiện như thế nào để phù hợp với Luật Đê điều", ông Ny đặt câu hỏi.
Cũng theo ông Ny, chỉ mới 2 năm trước, phía Hàn Quốc giúp đỡ Hà Nội làm dự án xây dựng thành phố hai bên sông Hồng. Ông đề nghị nêu rõ liệu trong đồ án quy hoạch chung, dự án đó còn tính đến nữa không.
Băn khoăn này được nhiều đại biểu HĐND chia sẻ và kiến nghị không nên phát triển với quy mô quá lớn đối với dự án thành phố ven sông trong bối cảnh Hà Nội đã mở rộng. Thay vào đó khai thác chủ yếu theo hướng trục không gian cảnh quan mặt nước cây xanh của thành phố, để "vừa phù hợp khả năng thực tiễn về di dân giải phóng mặt bằng và Luật đê điều".
Trong khi đó, tính hợp lý của "trục Thăng Long" lại nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều. Theo đại biểu Vũ Đức Tân, một tuyến đường dài hàng chục km, thẳng như kẻ chỉ nối từ trung tâm Hà Nội tới núi Ba Vì là không khả thi, thậm chí "vô lý".
Theo đại biểu HĐND TP Hà Nội Phạm Thị Thành, việc chuyển trung tâm hành chính Hà Nội lên Ba Vì có thể đánh mất nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đã được hình thành hàng nghìn năm cùng với người dân Thủ đô. “Thay vì di chuyển "đầu não" hành chính lên Ba Vì, thành phố nên di dời các trường học, bệnh viện, nhà máy sản xuất... ra ngoại thành sẽ hiệu quả hơn nhiều”, đại biểu Thành gợi ý.
PGS. Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Đại học Kiến trúc Hà Nội, thì tỏ ra lo ngại xung quanh đồ án quy hoạch Thủ đô đang được Bộ Xây dựng và TP Hà Nội hoàn tất trình Thủ tướng phê duyệt.
"Nếu chúng ta không cân nhắc một cách kỹ lưỡng, Hà Nội có thể đối mặt với một "đại quy hoạch treo", ông nhận định.
Theo ông Hanh, trước mắt, việc bố trí trung tâm này tại Mỹ Đình và lâu dài tại Hòa Lạc cần được xem xét thêm tính hợp lý của vị trí và khả năng quỹ đất. Trung tâm hành chính quốc gia thích hợp nhất vẫn là bố trí ở đô thị trung tâm, có thể gần khu vực Hồ Tây, là nơi linh thiêng của Thủ đô và đất nước.
Tư vấn đã dự báo quy mô dân số Thủ đô đến năm 2030 là gần 10 triệu dân, trong đó có 6,4 triệu dân đô thị; đến năm 2050 là 15 triệu dân, trong đó có 12 triệu dân đô thị và dân số của đô thị trung tâm 4,8 triệu. Với dự báo này, nguy cơ có thể xảy ra cho Hà Nội là sớm trở thành một “siêu thành phố” không bền vững, khó đạt được các tiêu chí xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, PGS. Trần Trọng Hanh nhận định.
Từ ngày 21/4 đến 1/5, Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội sẽ tổ chức trưng bày các bản vẽ quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội định hướng 2030 - tầm nhìn 2050 tại Trung tâm Triển lãm Vân Hồ (số 2 Hoa Lư, Hà Nội). Mục đích của việc làm này nhằm lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân để nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch trước khi hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- 0
- By Admin
- 21/04/2010
- 17