Không gian ngầm đô thị - nhìn từ hoạt động đầu tư BĐS (bài 2)
Trước hết, ở tầm vĩ mô, Nhà nước và các bộ ngành chức năng cần có một chiến lược tổng thể về việc phát triển, khai thác không gian ngầm đô thị, đặc biệt là ở các đô thị lớn để chúng ta có một kế hoạch hợp lý trong việc đầu tư khai thác không gian ngầm phục vụ hài hòa mục đích phát triển đô thị.Phát triển hệ thống không gian ngầm, công trình ngầm ở nước ta khá mới mẻ, nên các quy định pháp luật để điều chỉnh chưa đầy đủ là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, trước xu hướng phát triển các công trình ngầm như hiện nay, Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện chiến lược phát triển cũng như khung pháp lý để điều chỉnh các quan hệ mới phát sinh này.
Chúng ta cũng đều biết, quá trình xây dựng và phát triển đô thị lớn trên thế giới đều liên quan đến sử dụng không gian ngầm. Việc quy hoạch xây dựng ngầm là yêu cầu bắt buộc, là nhu cầu của cuộc sống và xây dựng công trình ngầm đã bắt đầu trở nên phổ biến ở nước ta.
Theo tư duy mới thì một đô thị được coi là mẫu mực sẽ là đô thị có quy hoạch xây dựng trên và dưới mặt đất hợp lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất và được quản lý xây dựng chặt chẽ. Việc hoàn thiện từng bước nội dung quy hoạch xây dựng ngầm và đưa vào cuộc sống là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Cần phải khẳng định quy hoạch xây dựng ngầm là một nội dung của quy hoạch xây dựng đô thị. Khi lập quy hoạch xây dựng đô thị phải căn cứ vào nhu cầu phát triển của thành phố để quy hoạch xây dựng ngầm. Xây dựng các công trình ngầm trong đô thị cần phải tiến hành một cách tổng thể và có quy hoạch đảm bảo sự khớp nối giữa công trình trên mặt đất và dưới mặt đất thành một thể thống nhất.
Trong quy hoạch xây dựng đô thị các phương án về cơ cấu của đô thị, tổ chức phân khu chức năng chính cần phải kết hợp xác định các khu vực dự kiến bố trí công trình ngầm (vùng chức năng không gian ngầm) và hướng sử dụng không gian ngầm theo nguyên tắc ưu tiên tại trung tâm chính đô thị và của các khu vực, vùng dân cư tập trung và dọc các trục đường phố chính đô thị. Quy hoạch xây dựng ngầm phải chú ý tới bảo vệ và cải thiện môi trường đô thị, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả về đất xây dựng, phải căn cứ vào đặc điểm địa hình, địa mạo, điều kiện địa chất công trình, địa chất thuỷ văn, vị thế và giá trị của công trình kiến trúc hiện hữu bên trên cũng như mạng lưới các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm sẵn có ở dưới… để đảm bảo an toàn và thuận lợi cho mọi điều kiện sinh hoạt của người dân.
Trong thời điểm khởi đầu cho việc hình thành không gian ngầm đô thị tại Việt Nam như hiện nay, công tác quy hoạch chính là điểm nhấn mấu chốt. Do đó, nó cần phải được xác định như một nhiệm vụ trọng tâm then chốt. Trong đó, công tác quy hoạch hệ thống giao thông ngầm phải được đặt ở vị trí đặc biệt, bởi nó là mấu chốt cho việc kết nối và chi phối hạ tầng không gian ngầm. Việc quy hoạch không gian ngầm phải tính toán hợp lý cho việc đấu nối các đầu mối giao thông đồng thời tiện dụng nhất cho kết nối các chức năng khác của không gian công trình ngầm.
Vẫn biết rằng quy hoạch dưới lòng đất là chuyện rất phức tạp trong công tác quy hoạch đô thị. Bởi ngoài việc phải sử dụng kỹ thuật phức tạp, hiện đại, liên quan đến nhiều chuyên ngành như địa chất, thuỷ văn, xây dựng, văn hoá, lịch sử… với đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, còn phải có nguồn lực về tài chính rất lớn và quan trọng nhất là tầm nhìn của các nhà quy hoạch. Đô thị càng hiện đại, quy mô đặc biệt (như Hà Nội và TP.HCM) thì không gian ngầm càng phức tạp, khi thực hiện sẽ phải chi một khoản đầu tư lớn trong xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị. Nhưng đây là một việc vô cùng quan trọng và cấp thiết. Vì vậy, nên chăng Nhà nước cần có chiến lược đi trước một bước, bỏ kinh phí để nghiên cứu, lập quy hoạch một cách bài bản, nhằm tạo điều kiện cho việc phát triển không gian ngầm trong tương lai.
Công tác nghiên cứu và kinh nghiệm về không gian ngầm, công trình ngầm ở nước ngoài đã có rất nhiều. Vì vậy, Nhà nước nên có chính sách tạo điều kiện để các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực liên quan tới công trình ngầm tại Việt Nam có điều kiện kết hợp với các chuyên gia nước ngoài tiến hành các công trình nghiên cứu chuyên sâu và phù hợp với điều kiện Việt Nam. Trên cơ sở đó có những áp dụng thực tế vào điều kiện Việt Nam trong công tác quy hoạch, xây dựng hệ thống công trình ngầm. Việc có những khảo sát chung và những khảo sát cụ thể tại đô thị trọng điểm về địa tầng, địa mạo để có những đề xuất về thông số cho xây dựng công trình ngầm: Ở đâu thì làm già, xây dựng loại hình công trình nào, độ sâu bao nhiêu và kỹ thuật thi công như thế nào?... cũng hết sức cần thiết.
Hiện nay, việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác đầu tư phát triển và xây dựng không gian ngầm, công trình ngầm đô thị vẫn đang được các cơ quan chức năng tiến hành. Tuy nhiên với những văn bản pháp quy hiện có cũng như những dự thảo đang được lấy ý kiến hiện nay vẫn còn sơ sài và thiếu tính điều tiết chặt chẽ. Chúng ta cần có một hệ thống quy chuẩn các văn bản pháp quy đã qua khảo sát và nghiên cứu thực tế về các tiêu chuẩn cơ bản như: Độ an toàn, độ chiếu sáng, công tác PCCC, cấp thoát nước... để từ đó các cơ quan quản lý có cơ sở cấp phép, giám sát và các nhà đầu tư yên tâm làm theo tránh tình trạng cấp mò, làm mò như hiện nay...
Việc tạo ra sự kết nối, đấu nối giữa các khối công trình ngầm các phân khu chức năng để tạo một không gian mở cửa các công trình ngầm, tạo ra tính hệ thống, sự liên kết của không gian ngầm đô thị cũng được tính đến một cách kỹ càng và phải có tầm nhìn xa cho việc “kết nạp” các công trình thành viên trong tương lai... cũng cần phải được tính đến trong chiến lược phát triển và trong các quy hoạch. Cần chú ý đến việc đấu nối về không gian giữa công trình dưới lòng đất với các công trình liên quan và hệ thống giao thông phía trên, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ... đảm bảo khớp nối kỹ thuật, khớp nối không gian, cảnh quan kiến trúc đô thị.
Trong quá trình quy hoạch cũng như lập dự án đầu tư cũng cần tính đến việc tạo ra một tính đa năng trong các dự án đầu tư công trình ngầm nhằm nâng cao tính hiệu quả và giá trị công trình cũng như hiệu quả sử dụng. Chẳng hạn, tại các dự án xây dựng nhà ga Metro, nên đặt nó trong một mối liên quan chung như những công trình kiến trúc văn hóa dưới mặt đất. Các nhà ga của Metro trong tương lai nên là những công trình ngầm đa năng, kết hợp với trung tâm thương mại, nhà hàng, các công trình văn hóa, khu vui chơi giải trí… Khi đó, nhà ga chính là một tổ hợp các công trình văn hóa công cộng. Hoặc như các công trình hầm ngầm đường bộ tại các nút giao thông hiện nay, nên đặt nó trong sự phối hợp với không gian trưng bày, văn hóa hay các siêu thị bán lẻ nhỏ dưới lòng đất...
Việc xây dựng công trình ngầm trong mỗi dự án phát triển đô thị đều rất tốn kém nhưng hiệu quả mang lại rất to lớn, góp phần giải quyết rất nhiều vấn nạn đô thị; Vì vậy, trong chiến lược phát triển đô thị, Nhà nước và các cơ quan quản lý nên có những chính sách khuyến khích các nhà đầu tư trong lĩnh vực này như: miễn phí sử dụng đất ngầm; hỗ trợ và cung cấp các thông số kỹ thuật, các nghiên cứu cần thiết về việc xây dựng không gian ngầm tại địa bàn đầu tư; ưu tiên trong việc xét duyệt hồ sơ dự án và đấu thầu...
>Bài 1: Thiếu quy hoạch, nhà đầu tư mất cơ hội
Theo Báo Xây Dựng
- 0
- By Admin
- 04/11/2008
- 17