Không đồng nhất trong thống kê hiện trạng nhà ở
Các chuyên gia đều cho rằng hai khái niệm “đi thuê nhà” và “không có nhà” thường bị hòa lẫn vào nhau.1/3 số người khảo sát ở nhà thuê
Nhà cho thuê nhếch nhác trong ngõ phố Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: M.H |
Số liệu của Cục Thống kê Hà Nội hay của Cục Thống kê Tp.HCM cũng chưa chính xác mà con số chính xác phải là con số phát ra từ Tổng cục Thống kê vừa tiến hành thống kê dân số và nhà ở trên toàn quốc. Cuộc điều tra này được tiến hành khá bài bản, công phu do đã có kinh nghiệm từ những cuộc điều tra trước đó. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà, Bộ Xây dựng |
Cụ thể là, khi Bộ Xây dựng báo cáo số liệu thống kê số lượng hộ dân có nhà ở tại Việt Nam, Cục Thống kê của Hà Nội và Tp.HCM cũng công bố kết quả thống kê đánh giá nghèo đô thị ở Hà Nội và Tp.HCM. Đây là kết quả thuộc dự án “Hỗ trợ đánh giá sâu về nghèo đô thị ở Hà Nội và Tp.HCM”. Kết quả điều tra về nhà ở của Hà Nội và Tp.HCM cho thấy diện tích bình quân một nhân khẩu ở Hà Nội là 15,7m2 và Tp.HCM là 17,7m2. Tỉ lệ nhân khẩu có diện tích ở dưới 7m2 ở Hà Nội là 25,7% và TPHCM là 30,7%. Con số này “vênh” so với con số về diện tích nhà ở đô thị mà Bộ Xây dựng công bố.
Kết quả điều tra cũng cho thấy tỷ lệ nhà ở do thành viên của chủ hộ là chủ sở hữu chiếm tỷ lệ 62,7% ở hai thành phố, trong đó ở Hà Nội là 74% và Tp.HCM là 57,4%. Hộ có nhà ở đồng sở hữu với người không chung sống trong hộ với tỷ lệ thấp 3,3% (Hà Nội là 2,1% và Tp.HCM 3,8%). Như vậy là có tới hơn 1/3 số được khảo sát đang ở trong các ngôi nhà thuê, mượn hoặc dạng sở hữu khác, trong đó, Hà Nội là 24% và Tp.HCM là 38,8%. Trong khi đó, theo con số điều tra của Bộ Xây dựng, con số này chỉ dừng lại ở mức... 1%.
Ông Nguyễn Quang Thiều, Giám đốc Trung tâm bất động sản Thành Đạt cho rằng: “Bằng cảm quan trong nghề, tôi cho rằng, con số 1/3 người được khảo sát ở Hà Nội và Tp.HCM vẫn phải thuê, mượn nhà có độ tin cậy cao hơn. Vì chỉ qua những lần đi tìm hiểu thị trường, tôi cũng thấy rằng số người đang phải thuê mượn nhà để ở vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn. Thậm chí ngay đối với những người có hộ khẩu thường trú lâu năm tại Hà Nội”.
Số liệu thành phố không đáng tin?
Ngày 19/12, trao đổi với PV Báo GĐ&XH, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý nhà của Bộ Xây dựng giải thích: “1% dân số phải đi thuê nhà là số liệu bình quân trong cả nước của tất cả các tỉnh cộng lại và chia đều. Còn với Hà Nội và Tp.HCM con số này cao hơn là hoàn toàn có lý. Vì tỷ lệ di dân đến thành phố bao giờ cũng lớn. Nói tỷ lệ không có nhà nghĩa là họ đang phải sống ở gầm cầu, lang thang ngoài đường (theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, tại khu vực đô thị, số hộ có nhà ở là 7.756.726 hộ. Tỷ lệ số hộ không có nhà ở khoảng 0,67 % - 4.502 hộ).
Không thể hiểu con số 0,67% có nghĩa là ở đô thị chỉ từng đó dân số đi thuê nhà. Khái niệm thuê nhà không có nghĩa là hộ đó không có nhà. Vì trong trường hợp này có thể do đồng sở hữu nhưng không muốn chung sống cùng một nhà hoặc có nhà ở các tỉnh khác nhưng đến thành phố lớn để làm việc và sinh sống. Nói như vậy có nghĩa là không có nhà và đi thuê nhà là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau và không bao giờ gặp nhau”.
Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hà, số liệu của Tổng cục Thống kê và Bộ Xây dựng là đáng tin cậy vì đây là cuộc điều tra của Tổng cục Thống kê công bố. Bộ Xây dựng nói ra cũng là căn cứ vào số liệu của Tổng cục Thống kê.
Tuy nhiên, trao đổi thông tin này với các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản chúng tôi lại thu nhận được ý kiến khác. Các chuyên gia đều cho rằng hai khái niệm “đi thuê nhà” và “không có nhà” thường bị hòa lẫn vào nhau. Nếu không có giải thích cặn kẽ thì trong khi định hướng chiến lược xây dựng, sẽ không ít doanh nghiệp thấy lúng túng, thậm chí mất phương hướng.
(Theo GiadinhNet)
- 0
- By Admin
- 21/12/2010
- 17