• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

"Không để đất hoang sau khi thu hồi dự án"


Ông Đào Anh Kiệt

Dự án muốn tiếp tục, phải làm thủ tục lại từ đầu

- PV: Thưa ông, với 479 dự án có văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư đã hết hiệu lực và 209 dự án đã có quyết định thu hồi đất với tổng diện tích đất lên tới gần 7.000 ha, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) dự định đề xuất UBND Tp.HCM hướng giải quyết những dự án này ra sao?

- Ông Đào Anh Kiệt: Theo quy định của pháp luật, đối với những dự án phát triển nhà ở, bao gồm dự án có văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư hết hiệu lực và dự án có quyết định thu hồi đất nhưng đã bị thu hồi quyết định, nếu muốn tiếp tục đầu tư, chủ đầu tư cần liên hệ Sở Xây dựng để được hướng dẫn thực hiện lại từ đầu. Đối với những dự án sử dụng đất để phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh bị thu hồi thì liên hệ Sở TN-MT để được hướng dẫn thực hiện tiếp nếu chủ đầu tư có yêu cầu.

- Nếu đơn giản chỉ là làm lại thủ tục đầu tư từ đầu thì những dự án vốn đã chậm tiến độ này lại càng bị kéo dài thời gian thực hiện?

- Các quy định mới về đầu tư có rất nhiều điểm quy định cụ thể, chặt chẽ hơn so với trước, đặc biệt những quy định liên quan đến năng lực của chủ đầu tư. Các chủ đầu tư phải chứng minh được năng lực cả về tài chính lẫn chuyên môn mới được giao thực hiện dự án. Buộc chủ đầu tư các dự án chậm triển khai làm lại các thủ tục đầu tư không những thực hiện nghiêm luật định về tiến độ đầu tư mà còn để sàng lọc lại một lần nữa năng lực của các chủ đầu tư. Chủ đầu tư có năng lực thì dự án sẽ được đẩy nhanh tiến độ.

Chưa kể, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo rất quyết liệt phải giảm ít nhất 40% thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư liên quan tới đất đai. Hiện Tp.HCM đang triển khai thực hiện chỉ đạo này. Do vậy, tôi nghĩ, không phải quá lo thời gian thực hiện dự án sẽ kéo dài khi chủ đầu tư phải làm lại thủ tục từ đầu.

thu hồi dự án chậm tiến độ
Thu hồi dự án chậm tiến độ đang dẫn đến mặt trái là đất bị hoang hóa

Đề xuất cho chuyển nhượng dự án

- Thưa ông, năng lực đầu tư không thể “một sớm, một chiều” có được mà phải là kết quả của một quá trình. Năng lực thực hiện của đại đa số những chủ đầu tư bị thu hồi dự án vì chậm triển khai chắc chắn phải hạn chế ở một điểm nào đó nên mới không thực hiện dự án đúng tiến độ. Như ông nói ở trên, quy định mới “siết” chặt hơn tiêu chuẩn của các nhà đầu tư… Vậy làm sao các chủ đầu tư này có thể làm lại dự án với các quy định khó hơn?

- Có hai nguyên nhân chủ yếu làm cho các dự án chậm triển khai. Thứ nhất do năng lực của chủ đầu tư hạn chế. Thứ hai là do giải phóng mặt bằng gặp khó, chủ đầu tư không thể thuyết phục người dân chấp nhận tiền đền bù để di dời đi nơi khác. Đối với trường hợp thứ nhất, không đủ năng lực, chủ đầu tư buộc phải chấp nhận bị thu hồi dự án. Đây là sự công bằng, đúng luật và chủ đầu tư không có lý do gì để kêu ca.

Đối với trường hợp thứ hai, nếu xác định chủ đầu tư thực sự có năng lực thì các địa phương nên hỗ trợ họ trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Song song với việc hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nên cân nhắc thêm phần đất đã được giải phóng mặt bằng. Nếu phần đất này có thể thực hiện dự án mà vẫn đảm bảo được các tiêu chí về quy hoạch thì nên “khoanh” lại phần đất chưa giải tỏa được và tạo điều kiện cho chủ đầu tư thực hiện dự án trên phần đất đã được giải tỏa.  

- Theo Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, số doanh nghiệp không còn đủ năng lực để tiếp tục thực hiện dự án phát triển bất động sản khá lớn. Tuy nhiên, cái khó đối với các doanh nghiệp là dự án không được tiếp tục triển khai thì họ không biết phải xử lý phần đất đã giải tỏa được như thế nào? Bán không được mà xây dựng cũng không xong… Sở Tài nguyên - Môi trường có đề xuất cách giải quyết không, thưa ông?

- Luật Đất đai mới có một quy định liên quan đến vấn đề này. Sở TN-MT đang chờ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Tuy nhiên, quan điểm của Sở TN-MT trong vấn đề này là nếu doanh nghiệp không đủ năng lực thực hiện dự án thì nên cho họ chuyển nhượng dự án.

Hiện nay có nhiều ý kiến lo ngại rằng nếu cho chuyển nhượng dự án sẽ tạo điều kiện cho các chủ đầu tư trục lợi, xí phần dự án, để rồi buôn bán kiếm lời và đẩy giá bất động sản lên. Tôi thì nghĩ khác, thị trường bất động sản hiện nay cạnh tranh khá khốc liệt với hàng trăm nhà đầu tư. Các nhà đầu tư sẽ không thể đẩy giá lên quá cao để rồi không thể bán được sản phẩm của mình.

Không cho chủ đầu tư chuyển nhượng dự án thì không những phần đất đã được giải phóng mặt bằng bị bỏ hoang mà chủ đầu tư cũng chẳng có tiền đóng thuế cho Nhà nước. Nhà nước vừa thất thu thuế vừa bị “mang tiếng” không tạo điều kiện cho đất được sử dụng hiệu quả. Đó là điều không nên.

- Cảm ơn ông.

  • 0
  • By Admin
  • 03/09/2014
  • 17