Không có sổ đỏ vì sống trong vùng "trung lập"
Đất Thanh, dân Nghệ
Kể về vùng đất này, ông Mai Công Xuân - Bí thư xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) bắt đầu bằng câu nói vui: Nhà báo hỏi về vùng đất “trung lập” chứ gì! Thật thà mà nói, hơn 50 năm trước, cả cái vùng Trường Lâm bây giờ là do người Nghệ An khai hoang lập địa mà thành hình. Sau năm 1964, do giặc Mỹ đánh phá ác liệt ra miền Bắc, số dân khai hoang người Nghệ An bỏ về quê hết, chỉ còn lại lác đác vài hộ dân bám trụ ở lại xóm 10 (nay gọi là xóm Trung Triều). Sau nửa thế kỷ, giờ đây số dân ngụ cư này đã lên đến gần 1.000 người. Nhân dân ở đây vẫn sinh sống bình thường, họ đăng kí hộ khẩu thường trú, đóng thuế và mọi thủ tục hành chính khác với xã Quỳnh Lộc, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), trong khi họ lại định cư từ rất lâu rồi trên đất Thanh Hóa...Ông Hồ Phi Tâm, 59 tuổi, cư dân xóm 10 giãi bày: “Chính vì là dân Nghệ sống trên đất Thanh, nên suốt nửa thế kỷ qua chúng tôi chỉ được coi là dân ngụ cư, không được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (gọi tắt là sổ đỏ). Chính quyền xã Trường lâm của Thanh Hóa bảo chúng tôi không nộp thuế đất và các nghĩa vụ khác nên không thể cấp sổ đỏ. Hỏi chính quyền phía Nghệ An thì được trả lời: Đất này không phải đất của Nghệ An, nên họ không có thẩm quyền cấp sổ đỏ. Thành thử nhà mình ở gần hết đời người mà đến nay vẫn không có giấy tờ hợp lệ. Việc bán, mua hay thế chấp ngân hàng để vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh là không thể”.
Chỉ đến khi một số hộ dân, doanh nghiệp mở rộng xây dựng, vi phạm Chỉ thị 21 thì sự việc lại mới được lãnh đạo xem xét tiếp (Ảnh: Hoàng Quyền) |
Ông Hồ Phi Toàn, 52 tuổi, xóm trưởng cho biết thêm: “Mọi thủ tục hành chính pháp lí cũng như nghĩa vụ công dân, chúng tôi theo Nghệ An, nhưng lại sống trên đất Thanh Hóa. Nên nhiều năm qua, chúng tôi gặp không ít khó khăn về sự chồng chéo thủ tục giữa hai địa phương. Người dân xóm Trung Triều cũng đã kiến nghị nhiều lần lên cấp trên cả hai địa phương hai vấn đề lớn: Một là xem xét cấp sổ đỏ cho người dân và hai là quyết định số dân chúng tôi ở đây sẽ thuộc địa phương Thanh Hóa hay Nghệ An. Được biết chính quyền địa phương hai bên Thanh – Nghệ đã nhiều lần ngồi lại với nhau, nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết”
Sự việc chỉ đến khi một doanh nghiệp (DN) tư nhân trong khu vực này là DN Tùng Bách mở rộng sản xuất, xây dựng thêm nhà xưởng. Điều đó vô tình vấp phải Chỉ thị 21 của UBND tỉnh Thanh Hóa. Theo tinh thần của Chỉ thị 21 là mọi hoạt động xây dựng nhà ở, công trình gắn liền trên đất của dân trong khu kinh tế Nghi Sơn phải có giấy phép của UBND xã cấp. Sau khi “vướng” phải Chỉ thị 21, Đội Quy tắc kiểm tra xây dựng Tĩnh Gia (Thanh Hóa) tiến hành xử phạt và cưỡng chế tháo dỡ thì sự việc vùng đất “trung lập” một lần nữa lại mới được đặt lên bàn làm việc của các cấp có thẩm quyền!
Nhà văn hóa xóm 10 – Trung Triều “thủ đô” của vùng đất “trung lập” (Ảnh:H.Quyền) |
Xứ Nghệ cho dân “thuê” của xứ Thanh
Rõ ràng địa phận xóm Trung Triều thuộc xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Việc này được cả hai bên địa phương Thanh – Nghệ cùng công nhận. Thế nhưng cả hai vị Chủ tịch của hai xã Trường Lâm (Thanh Hóa) và Quỳnh Lộc (Nghệ An) lại không hay diện tích vùng đất này rộng bao nhiêu và hiện có khoảng bao nhiêu dân đang định cư tại đó. Mặc nhiên coi khu vực Trung Triều như một “vùng trung lập” không quản lí về địa giới hành chính cũng như nhân khẩu. Riêng ông Nguyễn Văn Bắc – Chủ tịch xã Quỳnh Lộc còn biết lờ mờ rằng hình như có khoảng 800 đến gần 1.000 con dân xứ Nghệ đang sống trên đất Tĩnh Gia, Thanh Hóa!Khi chúng tôi đặt câu hỏi việc người dân xã Quỳnh Lộc, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An sinh sống trên đất Trường Lâm, Tĩnh Gia, Thanh Hóa, nhưng lại chịu nghĩa vụ công dân và cả việc đóng thuế các loại, trong đó có thuế đất cho phía Nghệ An, ông Nguyễn Xuân Thủy – Chủ tịch huyện Tĩnh Gia cho biết: “Việc phân định địa giới giữa hai tỉnh và giải quyết quyền lợi cho nhân dân khu vực này cần phải được xem xét rõ ràng. Trách nhiệm cấp huyện đến đâu, chúng tôi giải quyết đến đấy, nếu vượt quá thẩm quyền sẽ báo cáo xin ý kiến chỉ đạo từ cấp tỉnh và Trung ương. Dù sao việc này cũng do lịch sử để lại nên cần có thời gian tìm hiểu xem xét cụ thể lại sau.”
Rõ ràng suốt mấy chục năm qua, chính quyền địa phương Nghệ An đang sử dụng đất của Thanh Hóa để cho dân xứ Nghệ “thuê” lâu nay. Rốt cục chỉ gần 1.000 công dân nơi đây phải sống trong cảnh “trung lập”. Ở đó có một số quyền lợi cơ bản, mà bấy lâu nay họ chưa được hưởng./.
(Theo Tổ quốc)
- 125
- By Admin
- 04/10/2011
- 17