Không có chuyện "vỡ bong bóng" thị trường bất động sản
Trên thực tế, thị trường mới chỉ bắt đầu giảm, mức độ giảm giá vẫn chỉ có tính cục bộ ở một số dự án và khu vực tăng nóng trước đây mà chưa phải là sự giảm giá trên diện rộng.Từ đầu năm 2011 đến nay, thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, ảm đạm và nhiều phân khúc, kể cả đất nền giá đã giảm nhiều. Hiện tượng thị trường đóng băng kể từ đầu năm nhận được sự quan tâm đặc biệt từ cả giới kinh doanh cũng như những người làm chính sách. Thời gian qua, đã có những đề xuất từ các doanh nghiệp, cũng như cơ quan quản lý nhà nước về việc cứu thị trường bất động sản với lo ngại về tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng tăng mạnh, ảnh hưởng đến hệ thống tín dụng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết, một trong những lý do dẫn đến tình trạng khó khăn của thị trường là do mất cân đối nguồn cung phân khúc nhà ở, nhiều doanh nghiệp quá chú trọng vào căn hộ hạng trung, cao cấp, giá đắt mà thiếu những căn hộ giá thấp và trung bình, đáp ứng nhu cầu của số đông. Hiện nay, có những loại căn hộ giảm giá rất sâu, đặc biệt là những căn cao cấp, diện tích lớn từ 200-400 m2. Nhà giá trung bình 20 triệu đồng/m2 rất ít, chủ yếu tập trung ở những khu vực xa như Sài Đồng, Hoài Đức... Trong khi đó, các quận nội thành cũ không có nhà đất nào dưới 20 triệu đồng/m2.
Đây rõ ràng là điều bất hợp lý, khiến một số doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn. Do đó chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp cần gắn với thị trường, coi trọng tính khả thi của dự án. Dù trong thời điểm nào, thị trường sôi động hay trầm lắng thì lúc nào cũng có khách, vấn đề là khách hàng đang ở đâu? Phải làm đúng khả năng của mình, tìm ra cái khác biệt so với những doanh nghiệp còn lại thì mới phát triển được.
Ông Hà cũng cho rằng, hiện tại thị trường đang ở giai đoạn khó khăn nhưng không có chuyện sẽ đổ vỡ chung toàn thị trường. Nếu có đổ vỡ thì cũng không lớn, bởi những nhà đầu tư cấp 1 đã bán sản phẩm rồi, chỉ còn những nhà đầu cơ, chủ đầu tư cấp 2, năng lực tài chính yếu, phụ thuộc ngân hàng hoặc chỉ có một dự án dẫn tới rủi ro hay những người dân có một ít tiền tham gia kinh doanh vài căn hộ bị mắc cạn, thua lỗ. Còn nói rằng, đổ vỡ chung của toàn thị trường thì khó xảy ra.
Một số chuyên gia bất động sản cũng cho rằng, thực ra thì giá bất động sản ở Việt Nam mới chỉ bắt đầu giảm. Mức độ giảm giá vẫn chỉ có tính cục bộ ở một số dự án và khu vực tăng nóng trước đây chứ chưa phải là sự giảm giá trên diện rộng. Khi giá bất động sản giảm ở mức độ như hiện nay thì các nhà đầu tư và doanh nghiệp mới chỉ lãi ít hoặc mất lãi chứ chưa đến mức thua lỗ.
Thực tế thời gian qua, các doanh nghiệp bất động sản vẫn có thể bán được hàng dễ dàng với mức giá thấp hơn giá niêm yết khoảng 10 - 15%. Mức độ giảm giá bất động sản chỉ thực sự tác động đến hệ thống ngân hàng nếu như mức giảm quá 30%.
Bởi thông thường, các ngân hàng cấp tín dụng cho khách hàng vào khoảng 70% giá trị định giá đem thế chấp. Khi bất động sản giảm quá 30% theo giá trị định giá của ngân hàng thì tất cả các khách hàng liên quan sẽ phải nộp thêm tài sản đảm bảo. Nếu không thể nộp thêm thì các ngân hàng sẽ buộc phải bán giải chấp. Khi điều này xảy ra, sẽ tạo ra một vòng xoáy giảm giá thực sự cho thị trường và ảnh hưởng xấu đến toàn bộ hệ thống tài chính.
(Theo GTVT)
- 0
- By Admin
- 30/06/2011
- 17