• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Không có chỗ cho nhà đầu tư “tay không”

* Mỗi năm Việt Nam thiếu chừng 250.000 tỉ đồng vốn đầu tư cho các công trình hạ tầng. Như vậy, để đáp ứng nhu cầu này phải tiếp cận được nhiều nguồn vốn, trong đó có hợp tác công - tư (PPP). Nhưng để làm được cũng không phải dễ, vậy có cách gì để tháo gỡ không, thưa Thứ trưởng?

- Thứ trưởng Cao Viết Sinh: Trong đầu tư xã hội, khu vực tư nhân hiện chiếm một phần ba và trong tương lai sẽ còn gia tăng. Vấn đề là làm sao thu hút nguồn vốn tư nhân. Kinh nghiệm các nước cho thấy muốn thu hút được nguồn vốn tư nhân phải có nguồn vốn “mồi” của Nhà nước.

Do vậy, cách hợp tác PPP được nhiều nước thực hiện rất tốt, ví dụ như ở Úc. Nước này có nhiều hình thức đầu tư dưới dạng BOT, BT, BOO... nhưng cách tiếp cận của họ khác với Việt Nam.


Trước hết, họ có khuôn khổ pháp lý đầy đủ. Với các dự án đầu tư PPP, Nhà nước phải bỏ tiền ra xây dựng dự án, giải phóng mặt bằng, thiết kế chi tiết với các tiêu chí rõ ràng rồi mới đấu thầu. Việc đấu thầu cũng diễn ra theo các tiêu chí cơ bản.

Ví dụ như với các dự án giao thông họ chỉ đấu thầu xem phí thu là bao nhiêu và thời hạn thu. Chủ đầu tư không phải đàm phán với người dân về giải phóng mặt bằng, toàn bộ những vấn đề đó Nhà nước lo.

Ở Úc, trụ sở làm việc hay bệnh viện cũng được xây dựng theo hình thức PPP. Nhà nước bỏ tiền làm dự án cho tư nhân xây dựng và cơ quan đó thuê lại trụ sở trong 10 hay 15 năm.

Sau khi thu hồi đủ vốn và lãi, chủ đầu tư trả lại trụ sở đó. Như vậy, chính quyền có được một trụ sở đúng theo công năng đề ra. Ngay cả trụ sở Bộ Quốc phòng quan trọng là vậy họ cũng xây theo hình thức này.

Hiện tại Ngân hàng Thế giới đang phối hợp với Bộ KH-ĐT để xây dựng khuôn khổ pháp lý cho PPP. Nhưng khi chúng tôi chưa xây dựng được giá và chưa làm theo được cách đó thì vẫn để các nhà đầu tư đưa giá đề nghị và Bộ KH-ĐT thẩm định giá đó.

* Vốn ODA là một nguồn rất quan trọng trong các dự án kiểu này, nhưng Việt Nam chỉ còn được hưởng nguồn vốn ưu đãi này trong hai năm nữa. Hơn nữa, theo một số ý kiến, việc sử dụng vốn ODA ở Việt Nam còn dàn trải và chưa hiệu quả?

- Các nhà tài trợ vẫn cam kết ủng hộ Việt Nam về vốn ODA, nhưng sau thời hạn năm 2010, khi Việt Nam đạt đến ngưỡng thu nhập trung bình thì mức lãi suất sẽ thay đổi. Mới đây khi chúng tôi đi dự hội nghị quốc tế lần thứ ba về hiệu quả viện trợ quốc tế tại Ghana, các nước phát triển vẫn cam kết ủng hộ Việt Nam.

Tất nhiên cũng đến lúc chúng ta phải dùng các nguồn vốn ít ưu đãi hơn từ Ngân hàng Thế giới hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để hỗ trợ cho các dự án hạ tầng.

* Đến thời điểm này, ông đánh giá thế nào về hiệu quả đầu tư của các nguồn vốn cho vay lại?

- Trong bối cảnh giá cả đang tăng thì vấn đề đặt ra là thời gian xây dựng phải ngắn nhất để thu hồi vốn nhanh nhất. Với lãi suất đi vay 20% mà dự án bị chậm năm năm thì lãi suất phải trả sau năm năm đó bằng 100% vốn là quá lớn, tức là mất nguyên một dự án. Do vậy các chủ đầu tư cần tính toán kỹ thời gian xây dựng để thu hồi vốn và thu lợi.

* Nhưng có vẻ các nhà đầu tư không nhắm đến việc thu phí ở các dự án hạ tầng (vì chỉ thu được tiền lẻ) mà họ trông chờ vào các dự án khu công nghiệp, khu đô thị được Nhà nước “đổi lại” trong quá trình đầu tư này. Và Nhà nước sẽ phải làm gì để không bị “hớ” khi cho phép các nhà đầu tư được hưởng quá nhiều quyền sử dụng đất?

- Nghị định 78 của Chính phủ cho phép các nhà đầu tư lấy nguồn tiền từ việc khai thác, sử dụng các khu đất có liên quan đến dự án BOT, BT để xây dựng các dự án này.

Nhà nước phải tính được giá thị trường của các khu đất cho nhà đầu tư sử dụng. Giá khu đất không có đường và giá khu đất có đường khác nhau. Vì vậy cần có sự tham vấn hợp lý để tài sản nhà nước không bị mất, không bị thiệt trong quá trình định giá. Đó là vấn đề của các cơ quan định giá.

* Liên quan đến việc được hưởng quyền khai thác các khu đất, bài học đổ vỡ kéo từ thị trường bất động sản qua các dự án đầu tư hạ tầng có gợi cho các nhà quản lý điều gì không?

- Với thị trường bất động sản, phải giám sát từ việc cho vay. Nhà đầu tư lấy tiền từ kinh doanh bất động sản qua kinh doanh hạ tầng chỉ là một phần thôi. Nếu nhà đầu tư “tay không” thì không trúng thầu được dự án vì có quy định các mức độ đảm bảo nguồn vốn khác nhau.

Việt Nam hiện nay có trên 40 dự án BOT đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông nhưng chỉ có vài dự án thành công, thường là các dự án có quy mô nhỏ, dưới 200 tỉ đồng. Các dự án không thành công chủ yếu do cơ chế và độ rủi ro về mặt pháp lý.


Theo TBKTSG

  • 0
  • By Admin
  • 13/10/2008
  • 17