• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Không cần phải dự trữ đất ở Ba Vì

Hiện dư luận đang quan tâm về khẳng định của Bộ Xây dựng mới đây: Trong quy hoạch Hà Nội mở rộng không còn đặt trung tâm hành chính quốc gia tại Ba Vì. Tuy nhiên, khẳng định này lại đang gây ra sự nghi ngờ ở Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

Vẫn dành quỹ đất ở Ba Vì

Ngày 17-8, Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận được hồ sơ đồ án quy hoạch Hà Nội mở rộng do Văn phòng Trung ương Đảng gửi để hội này cho ý kiến đóng góp. Đồ án có nội dung đáng chú ý: Kết thúc trục Hồ Tây - Ba Vì là khu vực đất dự trữ xây dựng các công trình của Chính phủ sau năm 2050, bao gồm trụ sở của các bộ, ngành, cơ quan Chính phủ; các công trình văn hóa, nghỉ dưỡng, dịch vụ du lịch và một phần khu dân cư. Quỹ đất dự trữ này có diện tích khoảng 200-400 ha. Cạnh đó, đồ án vẫn khẳng định trung tâm chính trị quốc gia, gồm trụ sở Trung ương Đảng, nhà nước, Quốc hội vẫn ở khu Ba Đình.

Trong đồ án cũng nêu: Trục Hồ Tây - Ba Vì (trước đó gọi là trục Thăng Long) với vai trò chính là trục giao thông phục vụ cho việc đi lại. Đồng thời, đây cũng là trục hành lang kỹ thuật chính, gồm hệ thống ngầm như cấp nước, thoát nước và các hệ thống cáp kỹ thuật. Trục này kết nối các đô thị vệ tinh và sinh thái, rút ngắn sự chênh lệch về kinh tế giữa trung tâm TP với các khu vực ngoại thành; kích cầu phát triển kinh tế, dịch vụ phía tây TP. Trục Hồ Tây - Ba Vì còn là trục không gian kết nối văn hóa Thăng Long với văn hóa xứ Đoài. Đoạn đi qua chuỗi khu đô thị mới phía đông sẽ xây dựng một số công trình kiến trúc, văn hóa, lịch sử, giải trí tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Cùng với đó có đài độc lập và công viên cảnh quan…

Đổi tên để né dư luận?

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 25-8, ông Ngô Doãn Đức, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho biết trước đây trong đồ án có cụm từ “Trung tâm hành chính quốc gia đặt tại Ba Vì”. Nhưng đến nay, do sự phân tích, không đồng thuận của nhiều chuyên gia và dư luận, nó trở thành “quỹ đất dự trữ”. “Nhưng đó vẫn là một trung tâm hành chính. Vì theo đồ án chúng tôi nhận được thì đến năm 2050, nơi này sẽ là nơi xây dựng cơ quan của các bộ, ngành, cơ quan của Chính phủ” - ông Đức phân tích.

Theo ông Đức, đây chỉ là việc đổi tên từ trung tâm hành chính quốc gia thành khu vực đất dự trữ xây dựng các công trình của Chính phủ. Điều này cũng giống như việc đổi tên trục Thăng Long thành trục Hồ Tây - Ba Vì. Tên thì khác nhau nhưng trục đường đó thì không có gì thay đổi. “Khu vực đất dự trữ xây dựng các công trình của Chính phủ và trục Hồ Tây - Ba Vì theo cách gọi mới vẫn không có gì thay đổi so với trung tâm hành chính quốc gia và trục Thăng Long trước đây. Đây chỉ là việc đổi tên. Còn bản chất thì vẫn vậy!” - ông Đức khẳng định.

Cũng theo ông Đức, trong dự thảo văn bản góp ý cho đồ án quy hoạch Hà Nội gửi đến Văn phòng Trung ương Đảng sắp tới, hội góp ý: Đối với khu trung tâm hành chính quốc gia, hội kiến nghị bố trí tại khu tây Hồ Tây với quy mô vài chục hecta, không nhất thiết phải rộng 200 ha như dự kiến.

Khi trung tâm hành chính quốc gia được bố trí tại đô thị trung tâm rồi thì không còn lý do gì để tồn tại khu đất dự trữ cho việc xây dựng cơ quan Chính phủ sau năm 2050 tại Ba Vì. Và từ đó, sự tồn tại trục Hồ Tây - Ba Vì cũng không cần thiết nữa, nghĩa là nó không còn cơ sở để tồn tại.

Chưa đạt yêu cầu!

Theo Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đồ án quy hoạch Hà Nội mở rộng cho đến nay vẫn chưa đạt yêu cầu. Vì vậy, hội đề nghị Bộ Chính trị chỉ đạo việc tổ chức lấy ý kiến và việc thẩm định quy hoạch phải đảm bảo chất lượng và phù hợp với pháp luật.

Sai vai trò

Bộ Xây dựng (cụ thể là Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn) và UBND TP Hà Nội (cụ thể là Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội) là những đơn vị được giao phối hợp với tư vấn nước ngoài làm tốt quy hoạch Hà Nội. Những cơ quan này cần phải nhớ ta thuê tư vấn nước ngoài làm quy hoạch này và trả tiền cho họ.

Điều tôi ngạc nhiên là những đơn vị này đáng lẽ phải là người chủ nhà, đại diện cho ý kiến của những người trong nước, thế mà khi có những ý kiến khác đóng góp cho quy hoạch Hà Nội thì một số người trong cơ quan này lại tỏ ra khó chịu. Đáng lẽ những người ở các cơ quan này phải lắng nghe, tiếp thu ý kiến trái chiều để nói lại với tư vấn nước ngoài thì lại tỏ ra chê trách, khó chịu, cứ đứng về phía tư vấn. Đó là điều quá nực cười và gây ra một sự nghi hoặc. Như vậy là sai vai trò.

Tư vấn làm xong rồi thì người ta đi trong khi quy hoạch này mình phải làm trong thời gian lâu dài.

Ông NGÔ DOÃN ĐỨC, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam

(Theo PLTPHCM)

  • 0
  • By Admin
  • 26/08/2010
  • 17