Khoảng trống pháp lý khiến người mua nhà chịu lãi suất vay cao
Người vay gói tín dụng tạm thời chấp nhận lãi suất vay cao (khoảng 7-8%/năm) với ngân hàng thương mại trong lúc chờ NHNN ban hành thông tư. Ảnh: Phương Nga |
Chậm ban hành Thông tư
Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA)vừa có văn bản gửi đến Thủ tướng Chính Phủ, các cơ quan ban ngành và báo giới về một số ý kiến xung quanh Thông tư số 25/2016/TT-NHNN ngày 29/07/2016 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Xung quanh việc giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, để đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu của người tiêu dùng, ngày 30/03/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 23/NQ-CP cho phép tiếp tục triển khai gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng cho đến khi giải ngân hết. Tuy nhiên, theo phản ánh của HoREA, việc chậm ban hành thông tư của NHNN để hướng dẫn thực hiện đã làm cho người tiêu dùng lo lắng, bất an.
Đặc biệt, kể từ ngày 01/06/2016 đến ngày 31/07/2016 đã có khoảng trống pháp lý khiến người vay gói tín dụng ưu đãi đang giải ngân dang dở phải ký thỏa thuận tạm thời chấp nhận lãi suất vay cao (khoảng 7-8%/năm) với ngân hàng thương mại trong lúc chờ NHNN ban hành thông tư.
Theo đó, Hiệp hội đã có các văn bản số 37/CV-HoREA ngày 01/06/2016, số 40/CV-HoREA ngày 05/06/2016, số 46/CV-HoREA ngày 14/07/2016 đề nghị NHNN sớm ban hành thông tư hướng dẫn tiếp tục giải ngân gói tín dụng ưu đãi cho đến khi giải ngân hết, để người tiêu dùng yên tâm.
Lỗ hổng pháp lý
Theo thông tin từ HoREA, trước tiên Hiệp hội hoan nghênh NHNN đã ban hành Thông tư 25/2016/TT-NHNN ngày 29/07/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN ngày 15/05/2013 quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày 01/08/2016 đã cho phép tiếp tục giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng đến hết ngày 31/12/2016 với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, Hiệp hội cũng đóng góp một số ý kiến xung quanh Thông tư này để NHNN cân nhắc và xem xét.
Về thời hạn giải ngân, theo HoREA, Khoản (2.a) điều 1 quy định “...thời hạn giải ngân của các ngân hàng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN để cho vay hỗ trợ nhà ở được thực hiện tối đa đến hết ngày 31/12/2016”; Khoản (2.b) điều 1 quy định “... Sau thời điểm ngân hàng kết thúc giải ngân từ nguồn tái cấp vốn của NHNN quy định tại khoản 1 Điều này, ngân hàng tiếp tục giải ngân cho khách hàng đối với số tiền chưa giải ngân hết theo hợp đồng tín dụng đã ký bằng nguồn vốn của ngân hàng trên cơ sở lãi suất cho vay thỏa thuận và chính sách khách hàng của từng ngân hàng”; Khoản 2 điều 2 quy định “Đối với các khoản giải ngân đủ điều kiện tại khoản 1 Điều này, ngân hàng áp dụng mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở do NHNN công bố hàng năm kể từ thời điểm giải ngân, nhưng không quá thời gian áp dụng mức lãi suất cho vay quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư 11/2013/TT-NHNN”.
Trên cơ sở này, Hiệp hội nhận thấy quy định tại khoản (2.a) điều 1 và khoản (2.b) điều 1 chưa thỏa đáng vì trên thực tế sẽ có nhiều trường hợp khách hàng nhận nhà sau thời điểm 31/12/2016 sẽ không được tiếp tục hưởng lãi suất vay ưu đãi (NHNN đã quyết định áp dụng lãi suất cho vay 5%/năm trong năm 2016)mà khách hàng phải vay khoản tiền còn lại trong hợp đồng với lãi suất vay thỏa thuận theo chính sách cho vay của từng ngân hàng. Nhiều khách hàng không đủ điều kiện và khả năng tài chính sẽ không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng mua nhà, chưa nói có thể bị phạt vi phạm hợp đồng, hoặc phải sang nhượng lại cho người khác, trở lại trắng tay.
Theo đó, Hiệp hội đề nghị NHNN cho cá nhân, hộ gia đình đã ký hợp đồng vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng trước ngày 31/03/2016 và đã được giải ngân dang dở được tiếp tục giải ngân đến hết hợp đồng, kể cả các trường hợp nhận nhà sau ngày 31/12/2016.Bởi lẽ, Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ cũng đã dự liệu dành từ 20.000 - 40.000 tỷ đồng để thực hiện gói tín dụng ưu đãi này; và trên thực tế theo thông báo của NHNN thì cho đến ngày 10/05/2016 các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng cam kết cho vay là 34.826 tỷ đồng, vẫn còn nằm trong giới hạn nêu trên. Hơn nữa, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 23/NQ-CP cho phép tiếp tục triển khai gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng cho đến khi giải ngân hết.
Hiệp hội cũng đề nghị bổ sung cụm từ “đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 điều 1 Thông tư 32/2014/TT-NHNN ngày 18/11/2014 của NHNN” vào khoản 2 điều 2 Thông tư 25/2016/TTT-NHNN để đảm bảo sự thống nhất của pháp luật như sau: “Đối với các khoản giải ngân đủ điều kiện tại khoản 1 Điều này, ngân hàng áp dụng mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở do NHNN công bố hàng năm kể từ thời điểm giải ngân, nhưng không quá thời gian áp dụng mức lãi suất cho vay quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư 11/2013/TT-NHNNđã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 điều 1 Thông tư 32/2014/TT-NHNN ngày 18/11/2014 của NHNN”, đã nâng thời gian cho vay lên tối đa 15 năm. Hiệp hội cũng đề nghị NHNN xem xét sửa đổi khoản 3 điều 1 Thông tư 32/2014/TT-NHNN vì đã quy định thời hạn “không vượt quá thời điểm 01/06/2031” sẽ không còn phù hợp do đã có quy định mới tại Thông tư 25/2016/TT-NHNN.
Đề xuất lãi cho vay nhà ở xã hội là 4,8%/năm
Về vấn đề lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở, HoREA nêu rõ: Khoản 2 điều 2 quy định “Đối với các khoản giải ngân đủ điều kiện tại khoản 1 Điều này, ngân hàng áp dụng mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở do NHNN công bố hàng năm kể từ thời điểm giải ngân, nhưng không quá thời gian áp dụng mức lãi suất cho vay quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư 11/2013/TT-NHNN”.
NHNN đã công bố lãi suất gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng là 5%/năm áp dụng cho năm 2016, có nghĩa là người mua nhà ở thương mại và cả người mua nhà ở xã hội(NOXH) đều phải chịu lãi suất này. Quy định lãi suất 5%/năm đối với người mua nhà ở thương mại rất là thỏa đáng, nhưng đối với người mua NOXH theo gói tín dụng ưu đãi thì chưa thật thỏa đáng. Bởi lẽ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1013/QĐ-TTg ngày 06/06/2016 quy định lãi suất cho vay NOXH là 4,8%/năm áp dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội đến hết ngày 31/12/2016.
Do đó, Hiệp hội đề nghị NHNN ban hành quyết định về lãi suất cho vay NOXH cũng là 4,8%/năm áp dụng đến hết ngày 31/12/2016 cho các trường hợp mua NOXH trong gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng để bảo đảm sự thống nhất của pháp luật.
Phương Nga
(Theo Nhịp sống thời đại)
- 0
- By Admin
- 03/08/2016
- 17