Khổ vì “ma trận” thủ tục đầu tư
Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính vẫn là yêu cầu hàng đầu trong cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia và các địa phương. |
Không ít trường hợp nhà đầu tư mất nhiều năm để hoàn thành các quy trình thủ tục làm lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức và nản lòng…
Ngày 28/6/2011, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức tọa đàm “Cải cách quy trình thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng và cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh: các thực tiến tốt và khả năng áp dụng”.
Tại diễn đàn này, bà Phạm Ngọc Linh, chuyên gia tư vấn của IFC cho biết, hiện doanh nghiệp phải thực hiện rất nhiều thủ tục để có được giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng... khi bắt đầu cũng như trong quá trình mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Để thực hiện các thủ tục này, họ phải trải qua hàng chục quy trình thủ tục hành chính và phải làm việc với chính quyền từ trung ương tới địa phương cùng các cơ quan chức năng. Nhà đầu tư tìm đất ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế còn phải trải qua quá trình giải phóng mặt bằng nên thời gian triển khai dự án dễ có nguy cơ bị trì hoãn.
Với những trở ngại đó, nhà đầu tư tốn kém nhiều thời gian trong việc phải đi lại nhiều lần đến các cơ quan nhà nước có liên quan để hoàn tất thủ tục. Thời gian hoàn tất thủ tục thường kéo dài nhiều khi làm họ nản lòng hoặc lỡ mất cơ hội kinh doanh.
Ngoài ra, nhiều trường hợp nhà đầu tư còn phải liên hệ với nhiều đơn vị khác nhau của cùng một cơ quan để được cung cấp thông tin, hướng dẫn, giải trình thêm về hồ sơ đã nộp hoặc nhận kết quả… Thông thường, họ phải chuẩn bị nhiều hồ sơ hơn cần thiết để đáp ứng yêu cầu của các cơ quan nhà nước.
Theo một nhà đầu tư, kết thúc 9 quy trình, họ đã phải chuẩn bị và nộp 62 loại hồ sơ cho các cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, có 63% hồ sơ phải chuẩn bị mới, 26% bị trùng lặp (có hồ sơ phải nộp lặp lại đến 4 lần) và 11% hồ sơ là kết quả của thủ tục hành chính đã hoàn thành trước đó.
Như vậy, nhà đầu tư phải thực hiện gần chục quy trình thủ tục “mẹ” và một loạt quy trình thủ tục “con” để có đủ các loại quyết định và giấy phép cần thiết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi triển khai dự án. Họ phải trực tiếp đến xin ý kiến của từng cơ quan liên quan và chính quyền xã, huyện trước khi nộp hồ sơ đến sở xây dựng (cơ quan có thẩm quyền thụ lý), thực chất là đang thực hiện những quy trình thủ tục “con”. Hệ quả là nhà đầu tư phải đồng thời đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi khác nhau của từng cơ quan, làm kéo dài thêm thời gian không cần thiết.
Sự bất cập thể hiện ở chỗ: nhà đầu tư phải tìm hiểu rất kỹ yêu cầu của cơ quan thụ lý hồ sơ thủ tục về việc cần ý kiến của những cơ quan liên quan nào và ý kiến như thế nào; phải trực tiếp đến làm việc với từng cơ quan liên quan để có được ý kiến theo đúng yêu cầu của cơ quan thụ lý hồ sơ. Theo ý kiến đưa ra tại diễn đàn trên, cách làm này sẽ không khuyến khích được sự chia sẻ thông tin cần thiết giữa các cơ quan nhà nước cũng như tạo điều kiện cho những yêu cầu tùy tiện của cán bộ thụ hồ sơ. Việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước là cần thiết và góp phần tạo một nền nếp tốt phục vụ công tác kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư của các cơ quan liên quan.
Một thực tế nữa là cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp đều lúng túng trong việc xác định trình tự và thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng có liên quan. Các luật điều chỉnh các loại thủ tục này không xác định rõ ràng khi nào bắt đầu thực hiện thủ tục có liên quan trong quá trình chuẩn bị dự án đầu tư, cũng như trình tự và trật tự thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan của cả quá trình đầu tư. Hiện tượng phân tán, chồng chéo, trùng lặp và mâu thuẫn giữa các văn bản hướng dẫn pháp luật có liên quan về cùng một vấn đề cũng là một vướng mắc cần tháo gỡ.
Với thực trạng này, ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng CIEM nhận định: Số lượng giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng... sẽ tỷ lệ thuận với tốc độ gia tăng đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất của doanh nghiệp. Do đó, quy trình thủ tục đầu tư, đất đai và xây dựng rõ ràng, cụ thể, minh bạch, công bằng và dự liệu trước được luôn là điều kiện quan trọng khuyến khích và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nói riêng, phát triển kinh tế địa phương và quốc gia nói chung.
Vì vậy, cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính vẫn là yêu cầu hàng đầu trong cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia và các địa phương. Về lâu dài, những khó khăn, bất cập về thủ tục hành chính phải được giải quyết một cách đồng bộ và có hệ thống trên phạm vi cả nước.
(Theo VnEconomy)
- 0
- By Admin
- 29/06/2011
- 17