• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Khó thực hiện quy định bán, cho thuê lại nhà xã hội sẽ bị phạt

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất - kinh doanh vật liệu xây dựng; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật.

Trong đó có quy định chủ sở hữu nhà ở xã hội mà bán, cho thuê lại, cho mượn nhà trong thời gian 5 năm đầu sẽ bị phạt tiền từ 50-60 triệu đồng và bị thu hồi nhà ở. Người được thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước tiến hành chuyển đổi, cho thuê lại, cho mượn nhà ở mà không được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định cũng sẽ bị phạt mức tương đương như trên.

Trên thực tế, không ít chủ sở hữu nhà ở xã hội thường cho thuê, bán nhà khá kín đáo. Chủ nhà vẫn thực hiện những giao dịch về mặt danh nghĩa với ban quản trị tòa nhà và các cơ quan quản lý. Sau đó, đợi tới khi đủ thời hạn và đủ những điều kiện để cho thuê, bán lại, chủ nhà sẽ hoàn thiện những giấy tờ bán nhà chính thức để sang tên. Điều đó rất dễ xảy ra rủi ro cho cả hai bên.

nhà ở xã hội
Mua, cho thuê nhà ở xã hội có thể sẽ bị xử lý. Ảnh minh họa

Luật sư Trịnh Khánh Toàn (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, nguyên nhân dẫn tới rủi ro là bên sở hữu nhà bán, cho thuê nhà ở xã hội trái phép nếu bị phát hiện sẽ bị phạt, tịch thu nhà. Còn bên thuê, mua lại, không có bất cứ cơ sở pháp lý nào về vấn đề bồi thường cho đối tượng này. Vì thế, việc siết quy định quản lý về nhà ở xã hội là rất cần thiết. Song, mức xử phạt chưa khả thi vì cần có thêm căn cứ để quyết định hành vi nào cần phải xử phạt ở mức độ nào. Thêm nữa, mới quy định về mức phạt, chưa biết cụ thể đơn vị nào sẽ tiến hành kiểm tra để phát hiện và đơn vị nào sẽ phạt. Nghị định sẽ không khả thi nếu không làm rõ kẽ hở này.

Tương tự, ông Lê Hoàng Châu (Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM) đánh giá, quy định xử phạt rất cần thiết để ngăn chặn việc sang nhượng hợp đồng thuê, mua nhà ở xã hội hay hợp đồng mua nhà ở xã hội sau khi có chủ quyền. Song, văn bản cần phân biệt rõ từng loại hình. Đơn cử, đối với nhà ở đã có chủ quyền, luật đưa ra quy định sau 5 năm mới được bán lại và sau khi bán, phải đóng tiền sử dụng đất thì dự thảo cần ghi rõ việc trả lại tiền cho họ như thế nào bởi họ đã có chủ quyền. Trường hợp nhà ở xã hội có người thuê 2-3 năm, có người thuê cả đời thì với những đối tượng thuê dài hạn song họ thuê mới 5 năm, sau đó họ tiến hành cho thuê lại thì bị tước quyền là đúng. Tuy nhiên, nếu họ thuê nhà ở xã hội 10 năm, từ năm thứ 6 trở đi, họ có quyền cho thuê lại thì sao? Trường hợp đó cũng cần phải quy định rõ trong dự thảo... Bên cạnh đó, dự thảo này quy định xử phạt ngay mà chưa nêu ra cảnh báo. Đơn cử, chỉ xử phạt khi đã cảnh báo lần thứ nhất mà đối tượng này chưa thực hiện thì mới tiến hành xử phạt. Bởi vì, không phải người dân nào cũng am hiểu các quy định của pháp luật, đặc biệt là các quy định về nhà ở xã hội, Luật Đất đai.

Đồng tình quan điểm trên, kiến trúc sư Nguyễn Đức Tiến (Đại Kim, quận Thanh Xuân) chia sẻ, chính sách nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu cho các đối tượng thật sự có nhu cầu cấp bách về nhà ở. Đã là đối tượng được thuê, mua nhà ở xã hội mà lại bán, cho thuê, cho mượn thì rõ ràng là đối tượng này không có nhu cầu về nhà ở. Việc quy định xử phạt là một chế tài hợp lý để tránh trường hợp cho thuê, bán không đúng đối tượng hoặc lợi dụng sự hỗ trợ của Nhà nước để mua nhà giá rẻ và cho thuê lại để kinh doanh hoặc bán lại giá cao hơn để lấy lời. Song, sẽ rất khó phát hiện, xử lý vi phạm và lại phải tăng nhân lực cho đội ngũ thanh tra, kiểm tra gây tốn kém về chi phí cũng như sẽ phải tăng thêm biên chế cho các cơ quan chức năng mà hiệu quả chắc chắn sẽ không cao.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến băn khoăn, kể cả trong trường hợp lực lượng chức năng phát hiện ra việc mua, bán, cho thuê nhà ở xã hội nhưng nếu bị hối lộ mà bỏ qua cho hành vi vi phạm thì quy định mới này vô hình chung lại “đẻ” ra tiêu cực. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng khi nêu ra quyết định cuối cùng về vấn đề xử phạt hành vi bán, cho thuê nhà ở xã hội cần cân nhắc kỹ để khi Nghị định đi vào thực tiễn cuộc sống sẽ được sự đồng thuận của dư luận.

  • 0
  • By Admin
  • 26/12/2015
  • 17