Khó như chuyển nhượng dự án bất động sản
Công ty Cổ phần Tư vấn địa ốc Sài Gòn (quận 3) hiện đang rao bán hơn 40 dự án bất động sản trên trang web của công ty. Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc công ty này cho hay. Hầu hết các dự án này đều chưa tìm được đối tác chuyển nhượng.
Thị trường bất động sản tại Tp.HCM hiện có khá nhiều dự án dở dang cần chuyển nhượng và đang rốt ráo tìm nhà đầu tư mua lại. Đơn cử, khu phức hợp căn hộ dịch vụ khách sạn trên đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận với diện tích đất hơn 1.700 mét vuông, gồm 18 tầng nhưng mới thi công xong phần cọc nhồi tường vây tầng hầm, được chào giá 300 tỉ đồng.
Chủ đầu tư một dự án chung cư trên đường Tạ Quang Bửu, quận 8 cũng đang đề nghị chuyển nhượng với mức giá thương lượng là 200 tỉ đồng. Dự án này được giới thiệu là đã được phê duyệt xây dựng 21 tầng với 2 tầng hầm, tổng số 334 căn hộ và đã thi công xong phần móng.
Bảng thông báo cần tìm đối tác hợp tác đầu tư hoặc chuyển nhượng dự án trên đường Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức, Tp.HCM. Ảnh: Mạnh Tùng |
Một dự án căn hộ chung cư khác tại ngã tư Thủ Đức, quận Thủ Đức với 12 tầng, 154 căn hộ đã xây xong phần thô và cần chuyển nhượng với giá 225 tỉ đồng cũng chịu chung hoàn cảnh trên.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, doanh nghiệp này chưa môi giới thành công dự án nào cho chủ đầu tư. Ông Thắng than thở: "Các dự án khó bán vì có vị trí không đẹp, giá không tốt mặc dù đã có sổ đỏ, phê duyệt quy hoạch".
Các chủ đầu tư cần chuyển nhượng dự án thì cho biết, nguyên nhân chính là họ đang đuối vốn. Chẳng hạn như Công ty Cổ phần Phát triển hạ tầng và bất động sản Thái Bình Dương (PPI) đang treo bảng thông báo cần tìm đối tác hợp tác đầu tư hoặc chuyển nhượng dự án cao ốc văn phòng và căn hộ đã được phê duyệt quy hoạch 1/500 trên đường Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức, Tp.HCM.
Đại diện của chủ đầu tư này cho hay, sở dĩ họ ra thông báo trên vì đang “muốn cơ cấu lại dự án vì hiện không đủ năng lực tài chính tiếp tục đầu tư.”
Thực tế, trên thị trường cũng đã có một số cuộc mua bán, hợp tác thành công, biến nhiều dự án “đắp chiếu” thành những dự án đắt hàng như Galaxy 9, Icon 5... của Tập đoàn Novaland. Những dự án này tưởng như đã “chết” vậy mà sau khi thay chủ lại được hồi sinh, đổi tên và chào bán thành công.
Một số công ty khác cũng có động thái tương tự như Novaland, đơn cử: Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Hưng Thịnh, Công ty Cổ phần bất động sản Thanh Yến….
Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, xu hướng mua bán dự án bất động sản trên thị trường đã diễn ra từ 3-5 năm trước. Tuy vậy, hiện tượng này xuất hiện chủ yếu từ các ngân hàng đi “siết” nợ các chủ đầu tư. Ngân hàng sẽ thành lập một công ty con để rao bán các dự án mà chủ đầu tư không có khả năng trả nợ, đang tiến hành dở dang cho một chủ đầu tư khác.
Chỉ từ đầu năm 2014 đến nay, xu hướng này lại xuất hiện giữa các chủ đầu tư và trở nên sôi động hơn với các vụ mua bán, hợp tác thực sự, mang lại lợi ích cho cả hai bên. Việc mua lại các dự án dở dang của những ông chủ như Novaland, Hưng Thịnh, Đất Xanh... đã làm thị trường "ấm" hẳn lên.
Cũng theo ông Đực, các doanh nghiệp này đã khôn ngoan khi mua lại các dự án vừa phải, phát triển thành các sản phẩm phù hợp với túi tiền của người bình dân. “Thực tế, chúng ta đang tồn kho nguồn cung nhưng vẫn có nguồn cầu lớn ở phân khúc bình dân”.
Tuy nhiên việc tìm kiếm nhà đầu tư mới cho dự án không hề dễ, và không phải thương vụ hợp tác nào cũng thành công. Một trong những chủ đầu tư chuyên đi mua lại dự án tiết lộ, việc mua lại dự án không phải dễ dàng. Không ít dự án chủ đầu tư đóng vai người đi mua cũng không đủ mạnh về tài chính nên mua lại dự án và rót vốn theo kiểu “nhỏ giọt”. Kết cục, cả hai bên đều đuối sức, bỏ cuộc, còn dự án thì tiếp tục “đắp chiếu”.
Cho nên những nhà đầu tư muốn tham gia cuộc chơi chuyển nhượng dự án cần phải có chiến lược phù hợp với thị trường thời điểm hiện tại và nhất là phải có "hầu bao" đủ mạnh.
- 0
- By Admin
- 09/12/2014
- 17