• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Khiếu kiện đất đai nhiều: Đừng đổ hết lỗi cho dân!

>>  Phải loại bỏ nguy cơ tham nhũng khi thu hồi và quyết định giá đất

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng dân khiếu kiện nhiều do hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, do các quyết định hành chính sai và có thể bị ảnh hưởng bởi các nhóm lợi ích.

Hai văn bản về một vụ việc trong một ngày

Khiếu kiện đất đai nhiều: Đừng đổ hết lỗi cho dân! | ảnh 1
Năm 2011 có 4.159 đoàn khiếu kiện về đất đai.

Vì sao càng ngày các vụ việc khiếu kiện về đất đai, nhất là khiếu kiện tập thể lại càng tăng? Hầu hết các thành viên của Uỷ ban thường vụ Quốc hội đều đặt câu hỏi này khi bắt đầu đưa ra ý kiến. Ông Nguyễn Kim Khoa, chủ nhiệm uỷ ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội, thẳng thắn: “Kể cả trong những khiếu nại sai cũng không hoàn toàn do người dân sai. Các quyết định hành chính của tỉnh của huyện không đúng nên người dân khiếu kiện thì không thể nói dân sai!”

Đưa ra ví dụ, ông Khoa nói, ngay thời điểm đầu năm nay khi đi tiếp xúc cử tri tại tỉnh Phú Thọ, ở khu vực giải toả hành lang cho đường cao tốc Lào Cai – Nội Bài, người dân đã đưa cho ông xem nhiều quyết định do chủ tịch tỉnh ký. “Trong một ngày ông chủ tịch tỉnh ký tới hai quyết định thay thế nhau về cùng một vụ việc”, ông Khoa cho biết. Việc ban hành văn bản không theo quy trình nào cả, quyết định thay đổi trong một ngày vậy người dân có khiếu kiện không?

Ông Nguyễn Văn Hiện, chủ nhiệm uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng các khiếu nại đúng một phần của người dân cũng phải được xem là khiếu nại đúng. Theo báo cáo giám sát, từ năm 2008 – 2011, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp nhận và xử lý gần 673.000 đơn thư với hơn 495.000 vụ việc, trong đó có 19,8% khiếu nại đúng, có đúng có sai chiếm 28%, số vụ tố cáo đúng chiếm 16,2% và tố cáo có đúng có sai chiếm 29,6%. “Trong quản lý hành chính nhà nước ít có lĩnh vực nào sai nhiều đến thế. Quản lý nhà nước thế nào mà để sai nhiều thế này?”, ông Hiện đặt câu hỏi.

Theo ông Hiện, tại các luật liên quan đến quản lý đất đai cũng đã vênh nhau, nhiều lĩnh lực quản lý lại giao cho chính quyền địa phương ra quyết định nhưng chưa quản lý được các văn bản do địa phương ban hành. “Trong báo cáo chưa nêu bật được những vấn đề như thế này. Luật đã vênh rồi, mỗi địa phương một kiểu thì rõ là sai nhiều”, ông Hiện nhấn mạnh.

Báo cáo giám sát cũng khẳng định, các vụ việc thuộc cơ quan hành chính nhà nước thụ lý giải quyết thì tỷ lệ khiếu nại, tố cáo đúng và khiếu nại, tố cáo có đúng, có sai chiếm khoảng 47,8%, ở một số địa phương tỷ lệ này rất cao ví dụ như tại tỉnh Quảng Trị, số vụ khiếu kiện đúng và có đúng có sai chiếm tới 70%. Tỷ lệ khởi kiện đúng và đúng một phần tại TAND các cấp khoảng 19,5% các vụ được đưa ra xét xử. Báo cáo khẳng định việc khiếu nại, tố cáo của công dân là có cơ sở. “Nếu không chỉ đạo quyết liệt, giải quyết triệt để sẽ tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, tác động tiêu cực vào niềm tin, tâm lý, hành động của một bộ phận cán bộ và nhân dân đối với chính quyền”, báo cáo khẳng định.

Khiếu kiện tăng

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ về tổng kết công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đông người, từ năm 2005 đến tháng 6.2009 cả nước xảy ra 3.829 đoàn khiếu nại, tố cáo đông người, nhưng đến năm 2010 có 3.214 đoàn, năm 2011 có 4.159 đoàn (tăng 29,4% so với năm 2010). Nhiều địa phương có số đoàn khiếu nại tố cáo đông người liên quan đến đất đai liên tục tăng như Hưng Yên có 139 đoàn khiếu nại, Hải Dương có 112 đoàn, Quảng Ninh có 134, Bắc Ninh có 266 đoàn…

Ông Huỳnh Ngọc Sơn, phó chủ tịch Quốc hội thẳng thắn, tình trạng khiếu kiện liên tục tăng, nhất là các khiếu kiện đông người tăng như vậy có nguyên nhân từ những quyết định sai. “Báo cáo nêu chưa thật rõ các tồn tại trong ban hành các quyết định hành chính. Có ban hành sai thì mới khiếu nại tố cáo nhiều, cấp nào sai, ai sai, chưa chỉ ra được, sai ở thu hồi hay đền bù hay cưỡng chế... Sai ở góc nào nhiều, ở phạm vi nào? Trách nhiệm ở người ra quyết định đó và sửa sai thế nào, xử lý ông ra quyết định sai thế nào?” đại biểu Trần Ngọc Sơn liên tục đặt ra các câu hỏi.

Ông Uông Chu Lưu, phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần đưa ra các giải pháp cụ thể để tháo gỡ các vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai của người dân. “Cần khoanh vùng các vụ việc và tìm nguyên nhân để tháo gỡ. Những sai sót do ban hành các văn bản thì cần phải chỉnh sửa, nguyên nhân ở đâu phải sửa ở đó”, ông Uông Chu Lưu nói. Ông Ksor Phước, chủ tịch uỷ ban Dân tộc của Quốc hội cũng đưa ra tám nhóm nguyên nhân cần tập trung để giải quyết, đó là các nguyên nhân liên quan đến quy hoạch; phân định địa giới hành chính; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất cho tổ chức, doanh nghiệp; thù hồi, đền bù đất, xử phạt hành chính; cưỡng chế, giải quyết các tranh chấp khiếu nại.

Hầu hết các ý kiến đều muốn tập trung vào phân tích về ảnh hưởng của những quyết định hành chính tại các cấp tới việc gia tăng các khiếu kiện đất đai, tuy nhiên báo cáo chưa đủ dữ liệu. Có một điều khá đặc biệt hầu hết các đại biểu đều đặt ra câu hỏi tại buổi họp về báo cáo giám sát này, đó là sự vắng bóng của các thành viên Chính phủ. Ông Nguyễn Văn Hiện đưa ra câu hỏi: “Cuối cùng là chúng ta giám sát ai, cơ quan bị giám sát là ai mà không thấy đại diện các bộ ngành liên quan ngồi đây?”

(Theo SGTT)

  • 149
  • By Admin
  • 19/09/2012
  • 17