Khi nỗi lo doanh nghiệp thành nhà đầu cơ
Mới đây, một số doanh nghiệp (DN) tại tỉnh Bắc Ninh đã gợi ý chủ đầu tư bán những căn hộ dành cho người thu nhập thấp để DN đứng ra mua rồi bán hoặc cho công nhân thuê lại.
Có phải “đầu cơ”?
Đó là câu hỏi mà dư luận đặt ra khi một số DN tại tỉnh Bắc Ninh đưa ra đề nghị trên. Đây là điểm mới và liệu có phải là một giải pháp hay giúp thị trường BĐS được khơi thông?
Theo chị Hoàng Thị Vinh, công nhân khu công nghiệp Thăng Long, chủ DN nên làm điều này bởi nếu họ đứng ra vay với danh nghĩa là người mua nhà thu nhập thấp thì không chắc ngân hàng dám giải ngân hay không? Nếu DN đứng ra thì sẽ giúp công nhân có nhà ở. Công nhân cũng sẽ gắn bó và yên tâm làm việc hơn khi ổn định được chỗ ở.
Thực tế, tình trạng nhà ở đối với người thu nhập thấp, đặc biệt là công nhân các khu công nghiệp đang là vấn đề nan giải bởi để tìm được “điểm chung” giữa chủ đầu tư – ngân hàng – công nhân là điều không đơn giản. Thứ nhất, ngân hàng khá thận trọng khi cho công nhân vay mua nhà bởi họ là nhóm khách hàng có thu nhập “bấp bênh”, rất dễ dẫn đến nợ xấu. Thứ hai, công nhân khó có thể tiếp cận được với việc mua nhà bởi thu nhập của họ thấp, nếu “gom” đủ tiền sẽ phải tiết kiệm trong một thời gian rất dài, lên đến hàng chục năm. Do đó, đề xuất kia là một phương án lựa chọn khá khả thi, vừa mang lợi cho người công nhân, vừa thúc đẩy thị trường BĐS.
Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm xung quanh đề xuất đó khiến cả chủ đầu tư lẫn DN khó có thể thực hiện. Bởi chưa từng có tiền lệ nào cho DN mua theo kiểu “buôn” như vậy. Việc vay vốn từ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng chưa áp dụng cho các DN theo kiểu “mua buôn” như vậy, cho dù mục đích mua cũng chỉ vì những người có thu nhập thấp, ví dụ như công nhân.
Trao đổi với PV, luật sư Ngọc Tú, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, những quy định hiện nay chưa hề nêu về vấn đề để DN đứng ra mua rồi bán lại hoặc cho nhân viên thuê lại. Cũng chưa có chế tài hay biện pháp quản lý nào để quản lý cũng như giám sát điều đó. Theo ông Tú, trước khi triển khai một vấn đề gì thì phải đưa ra phương án quản lý và giám sát, tránh tình trạng cứ đưa ra một thời gian rồi lại phải thu hồi do chưa quản lý được.
Nhiều đề xuất nhằm kích cầu đối với thị trường BĐS đã được đưa ra nhưng các biện pháp hữu hiệu nhất thì vẫn phải hướng tới lợi ích của những người thực sự có nhu cầu về nhà ở để hạn chế hiện tượng đầu cơ dưới nhiều hình thức. Ảnh: Ng.Tuấn |
Cần quản lý chặt
Đề xuất trên được khá nhiều chuyên gia kinh tế cũng như người dân đánh giá có tính khả thi rất cao. Nhiều người cho rằng nếu triển khai theo đề xuất này thời gian giải phóng hàng “tồn kho” BĐS sẽ giảm đáng kể, khoảng 1/2 thời gian dự kiến.
Quả thật, nguyên nhân khiến thị trường BĐS bị đóng băng dài chủ yếu là do điểm cân bằng giữa quan hệ cung – cầu chưa có. Hay nói cách khác là nhu cầu thì nhiều, nguồn cung cũng nhiều nhưng định hướng khách hàng lại hơi “viển vông”. Điều đó khiến cho nhiều người dân có nhu cầu thực nhưng không thể tìm mua được nhà do giá bán quá cao, vượt quá khả năng chi trả của người dân, kể cả có vay được vốn của ngân hàng.
Mặt khác, thị trường BĐS bị bong bóng một thời gian khiến cho nhiều người mất niềm tin. Nó khiến thị trường khó “khơi thông” cho dù giá bán đã giảm đi khá nhiều so với trước đây, có những dự án giảm đến 50%.
Tất cả những điều trên chủ yếu là do việc quản lý và giám sát của còn khá “lỏng lẻo”, để lộ nhiều lỗ hổng khiến DN “lách” để hưởng lợi còn người dân thì “oằn mình” chi trả nếu muốn mua nhà. Hay nói cách khác là giá và chất lượng công trình không hề đi đôi với nhau. Nhiều dự án được cho là cao cấp, bán với giá khá cao nhưng thực tế chất lượng lại không được như vậy.
Hay một ví dụ khác là người dân thì cứ đóng tiền đặt cọc, tiền mua nhà theo từng phần. Còn chủ đầu tư thì lấy để “tiêu”, sử dụng vào mục đích khác. Điều đó khiến cho số tiền vốn bị “chia năm sẻ bảy”, mỗi chỗ triển khai một ít. Nguyên nhân khiến dự án treo nhiều như vậy là đây, đầu tư dàn trải khiến chủ đầu tư “chết yểu” khi nền kinh tế gặp khó khăn, dự án nào cũng dang dở.
“Nhiều dự án còn xây kiểu “nửa chừng”, chỉ quan tâm đến phân lô bán nền chứ chẳng để ý gì đến cơ sở hạ tầng cũng như hạ tầng giao thông gì cả. Điều đó khiến cho các dự án dù “rẻ” nhưng cũng ít người để ý hoặc mua bởi nó không thuận lợi cho sinh hoạt của người dân”, anh Nguyễn Hải Đăng, kiến trúc sư cho biết.
Thực tế, không ít chuyên gia lo ngại về việc một số DN kia có thể đứng ra mua buôn rồi bán lại với giá cao cho công nhân. Đó là chưa kể đến việc họ có thể bán cho người ngoài để thu lời chứ không phải công nhân của công ty. Nếu là vậy thì thị trường BĐS lại quay trở lại, vẫn phải mua bán qua “cò” - DN.
Có thể thấy, đề xuất trên là khá hay nhưng để thực thi thì cần phải nghiên cứu và có những giải pháp cụ thể, vừa đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà, vừa giúp thị trường BĐS “khơi thông”. Hơn nữa, nó cũng giúp DN giữ được chân người lao động, giúp họ được hưởng những chế độ đãi ngộ tốt nhất. Trong thời gian tới, hi vọng các cơ quan chức năng sẽ cùng nhau xem xét và có giải pháp tốt cho thị trường BĐS.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Anh Sơn, Giám đốc công ty Đại Cát, nhận định, đề xuất trên nếu thực hiện tốt sẽ giải quyết được nhiều vấn đề. Thứ nhất là thị trường BĐS, mà ở đây là tồn kho BĐS.
Thứ hai, vai trò và đãi ngộ của DN đối với người lao động tốt hơn, kích thích lực lượng lao động nỗ lực phấn đấu trong công việc.
Thứ ba, nó tạo tiền đề tốt cho phương án mua nhà kiểu này. Theo đó, người dân sẽ được hưởng lợi, còn thị trường BĐS thì được giải phóng, DN thì có thể “níu chân” người lao động.
- 0
- By Admin
- 08/09/2014
- 17