Khi nhà đất bị bỏ xó
Mua đất xong không xây cũng chẳng ở
Khi dự án Thành phố mới của tỉnh Bình Dương vừa được khởi động, với tốc độ phát triển của thành phố trẻ này, các chuyên gia dự tính chỉ khoảng 4 năm nữa thôi, Bình Dương sẽ trở thành khu vực vô cùng sầm uất, giá trị nhà đất gia tăng đáng kể. Trước viễn cảnh tươi sáng trên, nhiều dự án BĐS quanh khu vực này đua nhau mở bán, người người tranh mua dù giá đất cao chóng mặt. Thế nhưng, sau 10 năm, các dự án trên “đất vàng” vẫn nằm đó, hoang vắng, hiu quạnh không bóng người sinh sống. Dạo quanh khu vực gần kề Thành phố mới, hàng loạt các dự án đất nền của Kim Oanh, Tấc Đất Tất Vàng, Becamex ITC… dù đã bán hết từ rất lâu nhưng đến nay vẫn trong cảnh “đồng không mông quạnh”. Một số nơi tuy đã có chục căn nhà xây thô, nhà hoàn thiện lác đác mọc lên nhưng chẳng có bóng người vào ở.
Nhiều dự án tại Đồng Nai, Long An cũng rơi vào tình trạng bỏ trống lâu năm. Cơn sốt đất nền sân bay quốc tế Long Thành đã thu hút nhiều nhà đầu tư đi trước đón đầu săn đất, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, dự án còn chưa tới đâu mà tiền thì nằm chết 5-7 năm không sinh lợi. Biết là đầu tư dài hạn nhưng gần chục năm không sinh lợi thì quả là quá dài, nhiều nhà đầu tư đang ráo riết rao bán đất ở khu vực này với giá rẻ nhưng vẫn chưa tìm thấy người mua.
Nhiều mảnh đất "vàng" được nhà đầu tư mua vào thời điểm bất động sản nóng sốt đến nay vẫn bỏ hoang |
Không chỉ ở tỉnh lẻ, nơi đất chật người đông như Tp.HCM cũng chẳng khá khẩm hơn. Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, hàng trăm héc ta đất thuộc mấy chục dự án trong khu Phước Long B (quận 9) đã hơn 10 năm triển khai nhưng đến nay cũng chỉ lác đác vài căn nhà. Cách đó không xa là khu dân cư Bình Trưng Đông - Cát Lái (quận 2) hạ tầng sau 10 năm vẫn chưa làm xong, người ở thưa thớt. Còn tại Khu Tên Lửa, Bình Đồng (quận Bình Tân) nhiều dự án đã xây thô, bán hết nhưng cũng bị bỏ trống như nhà vô chủ. Ngoài ra, hàng loạt các dự án khác như KDC phường Long Bình, khu dân cư Bắc Rạch Chiếc (quận 9), khu dân cư Cotec, khu dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè), dự án Hoàng Anh Minh Tuấn (quận 9)…cũng chung cảnh dịch vụ chưa có, dân chẳng ai đến ở, đất trùm mền xếp xó, nhà xây đó bỏ hoang.
Không đến mức bi đát như các dự án trên, những dự án đang rao bán gần đây như KĐT Đông Tăng Long (quận 9), KDC Osaka Garden (quận 8), Tên Lửa Residence (quận Bình Tân), Mega Residence, Vạn Phúc hay Phước Long Residence… để khuyến khích khách vào ở, CĐT đã hoàn thiện thiết kế giao thông cảnh quan, lên kế hoạch xây dựng các tiện ích hạ tầng, bên cạnh đó còn tung nhiều chương trình hỗ trợ xây nhà. Tuy nhiên cho đến nay, các khu đô thị này vẫn chưa hoàn thành các công trình hạ tầng như điện, nước, hệ thống dịch vụ, trường học… nên hiện cũng chỉ có một số hộ đang tiến hành xây dựng nhằm tận dụng các chính sách ưu đãi nhưng cũng chỉ là xây thô rồi bỏ đó, chờ hạ tầng hoàn chỉnh chứ chưa thực sự có ý định sinh sống.
Xót xa nhìn núi tiền chôn vùi với đất
Lượng khách hàng mua đất để dành tuy cũng có nhưng không nhiều, phần lớn vẫn là dân mua đầu tư. Theo anh Hồ Hoài Đức, một môi giới đất nền lâu năm ở Tp.HCM, hầu hết khách mua đất đều nhắm đến mục đích khác nhau. Người kinh tế trung bình thấy đất rẻ, tranh thủ mua để dành, khi nào dư tiền mới nghĩ đến xây nhà chứ chưa có nguồn tài chính dư dả để mua xong xây ở ngay. Nhà đầu cơ kiếm lời thì chờ đất có giá để bán trao tay còn rất ít người thực sự muốn xây lên rồi bán. Vì vậy, việc đất nền nhiều dự án bị bỏ hoang là điều tất yếu. Tuy nhiên, anh Đức cũng cho rằng, giới đầu tư chỉ cố gắng giữ đất khoảng 2 -3 năm để chờ thời điểm tốt bán ra, chứ để vốn tiền tỷ chết cả chục năm là điều bất đắc dĩ mà thôi.
Là dân đầu tư lâu năm, ông Nguyễn Quốc Tuấn kể, ông cùng một số người quen tranh thủ bỏ tiền tậu 2 nền đất gần Khu trung tâm hành chính mới Bình Dương. Hiện tại khu đất mà ông đầu tư vẫn hoang vắng, thưa thớt bóng người. Dù trung tâm hành chính mới đã đi vào hoạt động và hạ tầng đường xá đều đã hoàn thiện nhưng hạ tầng dự án thì vẫn bỏ ngỏ. Theo ông Tuấn, hiện tại ông không có ý định xây nhà, đất chỉ để đó coi như của để dành cho con cháu. “Không ai ở thì tôi xây cho ai thuê, hạ tầng cũng chưa có gì nên dân cũng chẳng ai thiết tha đến sống, ngoài để không còn biết làm gì”, ông Tuấn chia sẻ. Giờ ông muốn rút vốn để đầu tư chỗ khác nhưng rao bán thì giá quá thấp, bán bằng giá gốc cũng chẳng ai mua. “Khoảng 2-3 năm sau khi mua, giá đất có tăng, nếu bán ra cũng lời tầm 400 – 500 triệu nhưng do tôi vẫn dự trù mấy năm nữa khu này sẽ sầm uất hơn, giá đất chắc chắn tốt hơn nên không bán, giờ mà bán lại cũng lỗ vì không bằng giá mua vào nên đành để vậy”.
Nhiều nhà đầu tư dù thấy gia tài hàng tỷ của mình cứ nằm phơi mưa nắng năm này qua năm khác một cách lãng phí mà chẳng biết làm gì. Một người quen của ông Tuấn thì đỡ hơn, mua được lô đất mặt tiền gần trường học, bệnh viện, tuy không xây nhà nhưng vẫn có thể cho một vài người thuê lại đất, dựng chòi buôn bán cũng coi như không phí đất mà còn thu lại chút tài chính.
Không ít nhà đầu tư đang rơi vào tình trạng bán thì lỗ không bán thì khổ. Người có tiền đành ôm đất để dành chờ tương lai, nhà đầu tư cần vốn thì chấp nhận bán cắt lỗ, thu về được gì thì thu.
Người Việt xưa nay vẫn chuộng quan điểm thích tích lũy tài sản, mua đất để dành cho chắc ăn, dù thực trạng nhà đất bỏ không xếp xó, lãng phí nguồn tiền, chôn chân chết vốn diễn ra nhan nhản. Nhiều khu đô thị, dự án có vị trí tốt vẫn được tiếng có nhiều khách hàng săn đón nhưng rồi cũng lại bỏ hoang. Suy nghĩ mua đất thì không thể lỗ vào đâu, không kiếm được lời thì vẫn còn mảnh đất giờ đây chỉ phù hợp với người mua đất để dành, còn với dân đầu tư, bán không được nghĩa là để tiền chôn chân một chỗ, tự giết nguồn vốn của mình.
Phương Uyên
(Theo Nhịp sống thời đại)
- 0
- By Admin
- 11/06/2015
- 17