• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Khi mỗi món đồ nội thất là một câu chuyện

Thì vẫn những gam màu trung tính dễ chịu xen lẫn đôi ba điểm nhấn cho sinh động; hay vẫn cứ là bàn, ghế, tủ, giường đấy thôi. Nhưng điều khác là, mỗi một món đồ, mỗi một chi tiết ở đây lại chứa đựng hẳn một câu chuyện về quá trình “xây tổ” của chủ nhân - điều mà không nhiều ngôi nhà theo mô hình “chìa khóa trao tay” hiện nay có được.

Phòng khách và bộ sofa mà nàng đã mang về từ nhà bố mẹ mình

Trải qua vài nơi ở khác nhau, chàng và nàng đã có một vốn kinh nghiệm kha khá trong việc bài trí, sắp đặt nhà cửa sao cho đúng ý. Họ có quá nhiều món vật dụng đã gắn bó với mình trong suốt thời gian rất dài và chỉ có họ mới biết nên bố trí ở đâu là phù hợp nhất. Mà cũng có thể nhờ vậy, chàng và nàng đã “xây” tổ ấm của mình rất nhanh và góc sống nào cũng đầy ắp tình cảm.

Nàng đã mang chiếc sofa lớn từ nhà bố mẹ về đặt trong phòng khách của vợ chồng mình, dẫu nó có đôi chút không hợp tỷ lệ trong không gian tương đối hạn chế của một căn hộ chung cư. Thế nhưng có hề gì! Nó là chiếc sofa thân thuộc với thời con gái của nàng, nó như một người bạn cũ, nó cũng là chiếc sofa tuy dùng lâu ngày nhưng được thiết kế để rất dễ thay đổi, làm mới lớp vải bọc nên lúc nào cũng tinh tươm. Giờ đây, chiếc sofa trở thành nơi chàng và nàng có thể cùng xem TV, tán gẫu, và độ rộng của nó cũng đủ thoải mái cho những giấc ngủ ngắn trong ngày rảnh rỗi.

Ở góc nhìn này, những món đồ thân thuộc của họ lần lượt được “điểm danh” qua bộ bàn ăn sơn mài đã đặt làm theo không gian sống trước đó, bình phông gỗ với hoa văn cưa tay thủ công và cây đèn đứng được nữ chủ nhân đưa về từ Hà Nội.

Trong nhà có khá nhiều những tấm bình phong gỗ làm vách ngăn. Những vách ngăn điệu đà mà đôi vợ chồng trẻ hay đùa rằng là kết quả từ sự thiếu thông tin. Thay vì đặt hàng tại những nơi có thể sản xuất các tấm bình phong loại này bằng máy móc trên các chất liệu gỗ công nghiệp cho nhanh chóng và sắc sảo, họ lại tự chọn kiểu hoa văn rồi tìm thợ tạo hình bằng tay theo cách hoàn toàn thủ công trên gỗ tự nhiên. Điều này làm mất nhiều thời gian, thành quả không thể sắc nét và thậm chí là... tốn chi phí hơn. Tuy nhiên, chính điều không hoàn hảo này mới làm nên nét đặc biệt cho những tấm bình phong. Chút thô sơ xen lẫn trong sự duyên dáng của những nét gỗ uốn lượn cùng câu chuyện kể về “xuất xứ” của chúng đã tạo thành những điểm nhấn thật dễ chịu cho không gian sống của chàng và nàng. Kế bên tấm bình phong lớn nhất, họ đặt một bộ bàn ăn bằng sơn mài với mặt bàn dát bạc. Bộ bàn ăn vốn được đặt làm từ lâu cho một nơi ở trước đó của họ và vẫn phù hợp với căn hộ mới. Sự kết hợp của sơn mài đen và hoa văn gỗ tạo thành mảng màu sắc hoài cổ nhưng vẫn thật bắt mắt trong một không gian sống hiện đại.

Phần đầu giường lạ mắt bằng chất liệu lụa bọc và những ngọn đèn lồng Hội An

Còn rất nhiều những món đồ khác nữa cũng mang câu chuyện như vậy. Cây đèn đứng ở lối vào nhà là một trong số đó. Cây đèn đã “tìm thấy” nàng trong một lần ở Hà Nội cách đây khá lâu. Nói như vậy là bởi vì nàng đã rất bận rộn khi đó và chuyến đi cũng không phải là để du lịch hay mua sắm. Nàng chỉ rất tình cờ đưa mắt xung quanh trên đường đi và “phát hiện” ra cây đèn trong một cửa hàng nơi phố cổ. Mảnh khảnh, yếu ớt và đáng yêu, việc tiếp theo xảy đến là nó nằm ở vị trí đó, trong căn hộ của nàng, tại Sài Gòn. Những món đồ lưu niệm trưng bày trong nhà cũng là kết quả từ sự góp nhặt qua những chuyến du lịch hay công tác của chàng và nàng, như chú hươu cao cổ cách điệu nhiều màu, lạ mắt và vui nhộn ở phòng khách; chân nến hình cành cây độc đáo trong phòng ngủ; những món trang trí linh tinh trong phòng tắm...

Thêm nữa, chàng và nàng cũng là những người ưa thích mỹ thuật và các món đồ thủ công. Dễ nhận thấy điều này qua phần đầu giường được trang trí thật khác biệt. Mảng tường lớn nơi đầu giường đã được xử lý lại bằng lụa bọc nổi với nhiều màu, hoạ tiết khác nhau. Đây cũng là một sản phẩm từ sự kỳ công của gia chủ khi tự chọn từng mẫu vải, mang đi làm thành những tấm lụa bọc xốp riêng biệt rồi đính lên tường. Nhờ đó, vừa vui mắt và tạo cảm giác mềm mại nhờ chất liệu mang lại, vừa tạo thành hiệu ứng thị giác thú vị khi kết hợp cùng những chiếc đèn vải Hội An được dùng làm đèn trần. Chàng và nàng hãy còn chưa có em bé, thế nên căn phòng ngủ phụ đã được họ biến thành “phòng đa năng” tùy vào từng giai đoạn mà có mục đích sử dụng khác nhau.

Phòng ngủ phụ được dùng làm phòng đọc sách kiêm “phòng tranh” với những tác phẩm của chàng và nàng

Ngay lúc này thì căn phòng đang đóng vai trò là phòng đọc sách kiêm “phòng tranh” với những tác phẩm do chính chàng và nàng vẽ trong thời gian rảnh rỗi. Căn phòng cất giữ rất nhiều những bức tranh mà họ đã vẽ, với họ, đây là một cách dễ dàng để tìm thấy niềm vui và sự cân bằng. Và từ đó, mỗi bức tranh sẽ “gia nhập” vào những món đồ hiện có trong căn hộ của chàng và nàng, cùng hoàn thiện nên một không gian sống đầy ắp những kỷ niệm thương yêu.

Bình phông cho lối đi đồng nhất với khu vực bàn ăn và trong phòng ngủ

Hình ảnh được thực hiện tại tư gia anh Duy Lê - chị Thu Hà Căn hộ 3-14-4, chung cư Phú Mỹ, Q.7, Tp.HCM.

  • 198
  • By Admin
  • 06/08/2013
  • 17