• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Khép chặt cánh cửa vay vốn tiền đồng

Phản ứng tăng lãi

Hiệu ứng tăng lãi suất VND trên thị trường ngay sau quyết định tăng các mức lãi suất VND thêm 1% của NHNN nhanh chóng được hàng loạt các NHTM đưa ra và chắc chắn sẽ là mặt bằng lãi suất mới trên thị trường kể từ ngày hôm nay (8/11). Ngay từ ngày 6/11, ba NHTM đầu tiên gồm MaritimeBank, DongABank và WesternBank đã tiến hành áp dụng biểu lãi suất mới cho tất cả các kỳ hạn huy động VND với mức lãi suất cao nhất tới12%/năm, cao hơn mức đỉnh 11%/năm vừa được thiết lập lại cách điều chỉnh của NHNN ít ngày.

Khép chặt cánh cửa vay vốn tiền đồng | ảnh 1

Ngoài biểu lãi suất tới 12%/năm nói trên, nhằm kích thích người gửi tiền, Western Bank thậm chí còn tặng thêm các loại quà tặng khác nhau có giá trị từ 0,7%/năm đến 3%/năm tính trên số tiền gửi. Lãi suất huy động thực tế trên thị trường vì thế có khả năng còn vượt mức 12%/năm.

Các NHTM thuộc nhóm nhà nước cũng nhanh chóng tiến hành điều chỉnh biểu lãi suất kể cả huy động và cho vay. Trong số này, BIDV thông báo kể từ ngày 8.11 sẽ áp dụng biểu lãi suất huy động cho các kỳ hạn quanh mức 12%/năm. Một lãnh đạo của BIDV cho biết, dựa vào mốc 12%/năm này, các chi nhánh sẽ căn cứ vào tình hình lãi suất và cung cầu lãi suất thực tế trên địa bàn để quyết định mức lãi suất huy động cụ thể.

Sự linh hoạt này nhằm tạo ra một biểu lãi suất phù hợp với mặt bằng chung tại từng địa bàn cũng như hài hòa mục đích huy động được vốn và đáp ứng nhu cầu cho vay sản xuất, xuất khẩu. Ngoài BIDV, cho đến chiều tối ngày 7/11, Vietcombank và Vietinbank vẫn chưa có động thái điều chỉnh lãi suất cụ thể. OceanBank là NHTM mới nhất công bố điều chỉnh lãi suất, trong đó áp dụng đồng loạt một mức lãi suất 12%/năm cho toàn bộ các kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng. Diễn biến này cũng gặp thấy ở hàng loạt kỳ hạn gửi tiền trong biểu lãi suất huy động của MaritimeBank, DongABank hay WesternBank và cho thấy, dù tăng thêm 1%/năm so với hai tuần cuối tháng 11, biểu lãi suất huy động VND mới ở một vài NHTM vẫn không có được sự lành mạnh và yếu tố cạnh tranh cần thiết giữa các kỳ hạn.

Khó khăn vay vốn

Một diễn biến dễ nhận thấy, khi tăng lãi suất đầu vào, chắc chắn lãi suất cho vay VND của các NHTM sẽ lại tăng trở lại với mức tăng trong trường hợp thấp nhất cũng tới 1%/năm so với trước đây. Kỳ vọng lãi vay giảm thêm chính thức không còn cơ sở. BIDV là NHTM đầu tiên công bố lãi vay VND mới trong đó ấn định lãi vay ngắn hạn tài trợ xuất khẩu ở mức 12,75%/năm. Riêng đối với các DN có doanh số xuất khẩu lớn, thu được nhiều ngoại tệ và cam kết bán lại cho NH, lãi cho vay có thể thấp hơn mức trên. Lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường cũng được BIDV ấn định xoay quanh mức 14%/năm và mức lãi vay cụ thể sẽ được ấn định tại từng địa bàn theo nhu cầu thực tế và hiệu quả kinh doanh của DN.

Riêng lãi suất cho vay trung, dài hạn được BIDV tính theo công thức, lãi suất tiết kiệm 12 tháng cộng mức 3,5%/năm. Với trần lãi suất huy động 12%/năm, lãi vay cao nhất của BIDV theo đó sẽ lên mức 15,5%/năm. Trước đó, theo tính toán của người đứng đầu Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia – ông Lê Đức Thúy - khi lãi suất huy động nằm ở khoảng 12-13%/năm và không có thêm bất kỳ khoản phụ phí nào, lãi suất cho vay nằm ở khoảng 15%-17%/năm sẽ là mức thị trường chấp nhận được. Thực tế, trước khi NHNN tiến hành điều chỉnh các mức lãi suất VND, lãi suất cho vay trên thị trường cũng ở gần sát mức 15-17%/năm.

Song trong buổi làm việc cuối tuần qua với 5 NHTM nhà nước và 11 NHTM cổ phần, các thông tin được NHNN phát đi cho thấy, tăng trưởng tín dụng sẽ được kiểm soát chặt chẽ trong 2 tháng cuối năm. Ngoài yêu cầu cấp bách tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên và nhu cầu vốn cung ứng hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, NHNN nhấn mạnh yêu cầu các NHTM tập trung đảm bảo thanh khoản. Với yêu cầu này, các NHTM chắc chắn sẽ phải xem xét và điều chỉnh lại cơ cấu tín dụng cho phù hợp với tình hình hoạt động của ngân hàng và một trong những điều chỉnh quan trọng là giảm bớt tín dụng đối với lĩnh vực phi sản xuất. Cùng với việc mặt bằng lãi vay tăng lên trái ngược với các kỳ vọng, các tín hiệu thắt chặt nói trên càng nhấn mạnh việc vay vốn sẽ là câu chuyện khó khăn trong hai tháng cuối năm.

(Theo Lao Động)

  • 223
  • By Admin
  • 08/11/2010
  • 17