Khai nhận di sản
Mặc dù muốn hưởng di sản nhưng tôi không muốn làm thủ tục khai nhận vì chưa biết rõ mục đích của việc làm này. Vậy tôi có phải thực hiện nghĩa vụ khai nhận di sản hay không? Nếu không khai nhận thì tôi có bị kiện ra tòa không?
Dương Quý Hiền (catcantho@..)
- Trả lời:
Theo quy định của Điều 50 Luật Công chứng, người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản.
Trong trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì người yêu cầu công chứng phải xuất trình giấy tờ để chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó. Trong trường hợp thừa kế theo pháp luật, người yêu cầu công chứng còn phải xuất trình giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Công chứng viên có trách nhiệm kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản. Văn bản khai nhận di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản.
Như vậy, bạn có thể cùng với người cha và các anh chị của bạn làm thủ tục khai nhận di sản theo quy định trên.
Việc khởi kiện ra tòa chỉ xảy ra khi những người thừa kế có tranh chấp để yêu cầu chia di sản, xác định quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác.
Ô. HOÀNG MẠNH THẮNG
(Phó phòng Công chứng số 7 TP.HCM)
(Theo PL TPHCM)
- 189
- By Admin
- 23/08/2010
- 17