• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Khách sạn cao cấp: Vẫn “hút” đầu tư

Khách sạn cao cấp: Vẫn “hút” đầu tư

Theo thông tin từ Công ty CBRE Việt Nam (chuyên về tư vấn, quản lý bất động sản), trong quý 3/2008, giá thuê phòng trung bình tại các khách sạn 5 sao của Hà Nội đã lên tới gần 160USD/đêm, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Trong vài tháng qua, tỷ lệ chiếm chỗ trung bình của khách sạn 5 sao vẫn giữ ở mức cao là 75%, trong khi giá phòng trung bình là 125USD/đêm. Nhu cầu về khách sạn vẫn rất cao nhưng không có khách sạn mới nào hoàn tất trong khoảng từ 2005 và 2007.
 
Theo ông Richard Leech - Giám đốc điều hành của Công ty CB Richard Ellis Việt Nam, năm 2020, Hà Nội sẽ cần thêm 35.000 phòng khách sạn với tất cả các mức hạng, bao gồm 15.000 phòng khách sạn 5 sao. Trong khi đó, trên thực tế, hiện nay Thành phố Hà Nội mới có dưới 5.000 phòng khách sạn loại này.

Lĩnh vực tiềm năng

Một số liệu khảo sát được công bố mới đây của Công ty Kiểm toán Grant Thornton cho thấy, kinh doanh lĩnh vực khách sạn mang lại lợi nhuận khổng lồ nhất. Theo kết quả này, các khách sạn ngày càng ăn nên làm ra, mức độ ăn nên làm ra tỷ lệ thuận với số phòng khách sạn và số sao khách sạn đạt chuẩn.
 
Kết quả khảo sát dựa trên báo cáo năm tài chính 2005-2006 của 29 khách sạn cho thấy tỷ suất thu nhập ròng, (thu nhập trước khấu hao, lãi và thuế) trên doanh thu đối với lĩnh vực dịch vụ này khá hấp dẫn.
 
Theo nhận định của các công ty du lịch, giá thuê phòng khách sạn cao cấp tại Hà Nội sẽ tiếp tục tăng vào cuối năm nay, do đang bước vào mùa cao điểm đối với cả khách du lịch và khách thương gia. Tuy nhiên, sự hấp dẫn chỉ nằm ở khách sạn có sao nhiều.
 
Ví như 5 sao tỷ suất thu nhập ròng trên doanh thu gần 40%, trong khi 4 sao chỉ còn 21,1%. Doanh thu khách sạn do 61-63% từ dịch vụ cho thuê phòng mang lại. Khách sạn trên 150 phòng lợi nhuận ròng đạt được gần 50%, từ 75 đến 150 phòng lợi nhuận ròng gần 14%, trong khi đó dưới 75 phòng là trên 21%. Hầu hết khách sạn đạt tiêu chuẩn 4, 5 sao dành cho khách quốc tế.
 
Với số lượng khách gia tăng, các khách sạn luôn đạt công suất phòng cao trung bình từ 62-63%. Công suất phòng của khách sạn 3 sao trung bình cả năm là 64,8% và 73,1% của 5 sao, trong khi đó khách sạn 4 sao chỉ đạt 54,4%. Khu vực miền Bắc có công suất sử dụng phòng cao nhất nước trên 74% trong khi miền Nam đạt 59-62% và miền Trung 52-58%.

Mới đây, phát biểu tại lễ kỷ niệm 10 năm mở cửa khách sạn 4 sao TRAY Hải Phòng, bà Đỗ Thị Hồng Xoan - Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng Cục Du lịch cho biết, nếu như 10 năm trước (1998) số lượng khách sạn 4-5 sao ở Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay thì đến thời điểm này, con số đó vẫn chưa đáp ứng được đúng tiềm năng của thị trường.
 
Hiện Việt Nam có 9.000 khách sạn và khu nghỉ dưỡng lớn nhỏ khác nhau. Trong số này có 25 khách sạn 5 sao, 64 khách sạn 4 sao, 135 khách sạn 3 sao, còn lại là khách sạn 1 hoặc 2 sao - số lượng phòng hiện nay là quá ít so với tốc độ phát triển của ngành du lịch. Bà Xoan kỳ vọng, con số này sẽ tăng cao trong tương lai gần.

Những dự án lớn chờ “đổ bộ”
 
Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính ở khu vực châu Á, việc đầu tư vào khách sạn ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng giảm đáng kể, dẫn đến thiếu phòng trầm trọng ở TP.HCM và Hà Nội trong khi nhu cầu khách quốc tế tăng cao.
 
Việc thiếu phòng trầm trọng ở Việt Nam đã xảy ra năm ngoái khi Việt Nam tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh APEC và tình trạng này, theo dự báo vẫn còn tiếp diễn trong năm nay.
 
Chính vì thế, hiện đang có nhiều tập đoàn đầu tư và quản lý quốc tế quan tâm đến thị trường du lịch, khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng, spa 5 sao ở Việt Nam, trong đó có Kingdom Hotels tập đoàn đang sở hữu 4Seasons, Raffles và Movenpick, tập đoàn Banyan Tree, Colomy Resorts và Intercontinental.
 
Tỷ lệ cam kết đầu tư trong lĩnh vực bất động sản đang tăng trong tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Bên cạnh đó, chính quyền nhiều địa phương đang khuyến khích các nhà đầu tư bỏ vốn vào xây dựng những khách sạn lớn tiêu chuẩn 4,5 sao. Chẳng hạn như TP HCM đã đưa ra những khu đất trên địa bàn để chào mời các nhà đầu tư.
 
Nhiều dự án khách sạn tiêu chuẩn cao đang được triển khai ở Tp.HCM bên cạnh việc mở rộng và nâng cấp các khách sạn hiện tại cũng được các nhà đầu tư xúc tiến thực hiện.
 
Khi nói về sự quan tâm của các nhà đầu tư tới lĩnh vực du lịch, khách sạn, bà Xoan đã khẳng định thời điểm mà Tập đoàn Nam Cường đầu tư xây dựng khách sạn TRAY Hải Phòng theo quy chuẩn 4 sao là bước đột phá cũng như khá táo bạo của nhà đầu tư và rất đáng biểu dương – bởi lẽ kinh phí đầu tư nhân lực cũng như hạ tầng cho những dự án loại này không hề nhỏ.
 
Bà Xoan cũng cho biết dòng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dịch vụ khách sạn đang tăng lên từng ngày, đặc biệt là tại khu vực miền Trung. Việc Tập đoàn Nam Cường đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống khách sạn 4 sao trở lên là hướng đầu tư đúng đắn, và tin chắc sẽ mang lại hiệu quả kinh tế.

Được giới đầu tư trong nước và quốc tế đánh giá là Tập đoàn đầu tư bất động sản hàng đầu với hàng loạt các dự án đô thị có qui mô lớn từ vài trăm đến hàng nghìn ha tại Hà Nội và các tỉnh,  nhưng ông Trần Văn Cường - Chủ tịch Tập đoàn Nam Cường vẫn khẳng định đây chỉ là lĩnh vực được ưu tiên trước mắt, về lâu dài trong vòng 20 năm tới, kinh doanh khách sạn sẽ là lĩnh vực chính, lĩnh vực mũi nhọn của tập đoàn.
 
Ông Cường cho biết, xét về qui mô thì Tray chỉ là một thành viên nhỏ, khiêm tốn trong đại gia đình Nam Cường với trên 30 công ty thành viên, nhưng về phương diện truyền thống và lịch sử Tray luôn giữ vị trí trang trọng nhất như một mốc son đánh dấu sự chuyển hướng đúng đắn và trưởng thành của Nam Cường.
 
Được biết, ngoài khách sạn Tray, hệ thống khách sạn của Nam Cường còn có khách sạn 4 sao Nam Cường Hải Dương (mở cửa 2006); một số khách sạn đang khần trương đầu tư xây dựng là khách sạn 5 sao Nam Cường Đồ Sơn sẽ mở cửa đón khách vào dịp 1/5/2010. Đất Thành Nam cũng sẽ có thêm khách sạn 4 sao Nam Cường Nam Định vào năm 2011.
 
Tại Hà Nội, Tập đoàn Nam Cường sẽ đầu tư một chuỗi khách sạn, trước mắt là khách sạn Nam Cường Hà Nội và Nam Cường Hà Đông đang được các nhà thiết kế chuyên nghiệp nước ngoài hoàn thiện nốt các phần việc cuối cùng để chuyển sang thi công trong thời gian tới. Trong vòng 20 năm tới, tập đoàn Nam Cường sẽ có từ 10 - 15 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4-5 sao và hệ thống văn phòng, căn hộ cao cấp cho thuê ở các địa phương trong cả nước.

Tuy nhiên, ông Cường nhận định rằng để thu hút nhiều hơn nữa các dự án đầu tư cho du lịch – khách sạn thì việc cải thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng cuộc sống cần được đặc biệt quan tâm hơn nữa. 

Theo DĐDN

  • 0
  • By Admin
  • 30/10/2008
  • 17