Kẹt tiền, doanh nghiệp BĐS tìm cách "hút" vốn trong dân
Những chiêu hút tiền cực sốc
Giảm giá, chiết khấu 10 – 20%, mua nhà có quà tặng… là cụm từ được nhắc tới nhiều khi các chủ đầu tư BĐS rao bán dự án trong thời gian vừa qua. Thậm chí, một số dự án bỏ điều chỉnh giá theo CPI, công bố chương trình khuyến mãi “Mua căn hộ được tặng 25 – 30 m2 sàn trung tâm thương mại” như 1 chiêu gây sốc để thu hút khách hàng.Xu hướng khuyến mại khi mua căn hộ tại thị trường Hà Nội đang diễn ra trên diện rộng, điển hình như các dự án: dự án Nam An Khánh, nằm về phía trục đại lộ Thăng Long, giá đất hiện trên 30 triệu đồng/m2, giảm 10 triệu đồng/m2 so với thời điểm đầu tháng 3, hay dự án Rừng Cọ Ecopark, khách hàng mua sản phẩm sẽ được chiết khấu 10%,…
Đặc biệt, mới đây, Công ty CP Sông Đà Thăng Long đưa ra chương trình ưu đãi khiến nhiều khách hàng không thể làm ngơ, khi dành 200 suất mua nhà tặng thêm diện tích mặt sàn cho những khách hàng chấp nhận đóng hết ngay số tiền còn lại trong hợp đồng mua bán căn hộ tại tổ hợp Usilk City (Khu đô thị Văn Khê – Hà Nội).
Theo đó, những hợp đồng mà giá trị phải nộp còn lại trên 2 tỷ đồng, khách hàng nộp tiền ngay sẽ được tặng miễn phí 35m2 sàn thương mại, với những hợp đồng còn lại từ 1,2 tỷ đến 2 tỷ đồng, khách hàng được tặng 25m2 sàn thương mại và những hợp đồng còn lại từ 600 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng sẽ được nhận 18m2 sàn thương mại.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong tình hình tín dụng ngân hàng khó khăn như hiện nay thì việc các chủ đầu tư BĐS cho ra đời các sản phẩm hấp dẫn, thu hút người dân chính là một cách tạo nguồn vốn hiệu quả.
Nhiều dự án bất động sản đang chạy đua để hút vốn từ trong dân |
Về phía khách hàng, những sản phẩm hấp dẫn này cũng là cơ hội để nhiều người có thể sở hữu được một căn nhà phù hợp và ở một mức giá hợp lý, mức giá mà trước đây khó có thể có được.
Vốn trong dân: Giải pháp cho nhiều doanh nghiệp
Coi khách hàng như đối tác cần đầu tư, cùng kinh doanh và cùng chia sẻ lợi nhuận đã trở thành một giải pháp nhiều doanh nghiệp lựa chọn để huy động nguồn vốn trong giai đoạn các ngân hàng đang thắt chặt tín dụng cho bất động sản.Bà Lý Thái Hà, Giám đốc Dự án Flamingo Đại Lải Resort cho biết, việc huy động nguồn vốn nhàn rỗi từ trong dân có rất nhiều ưu điểm. Thứ nhất là nguồn vốn của họ luôn luôn được bảo toàn. Thứ hai họ được hưởng mức lãi suất cao, năm đầu tiên hơn 30%, những năm tiếp theo luôn cao hơn mức lãi suất ngân hàng.
Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đất xanh miền Bắc cho biết thêm: “Để thu hút nguồn vốn từ người dân, nhiều chủ đầu tư đã giãn tiến độ thanh toán, chấp nhận thu hồi vốn chậm. Thay vì phải thanh toán trong 5 – 7 đợt, nhiều dự án đã chấp nhận cho người mua nhà thanh toán thành 9 đợt, mỗi đợt cách nhau 3 tháng”.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, tình trạng này khó khăn về vốn thực ra đã từng xảy ra vào năm 2006, khi đó, chỉ số lạm phát cũng tăng cao, khiến cho các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong việc tiêu thụ, bán hàng, thu hồi vốn và trả nợ ngân hàng.
Nhưng khi đó, các doanh nghiệp bất động sản đã có phương thức liên doanh liên kết với nhau, chung nguồn vốn để hoàn thiện các dự án bất động sản đang dở dang, biến thành hàng hóa bán để thu hồi vốn.
“Bên cạnh kênh ngân hàng, chúng ta cũng cần huy động các nguồn vốn trong xã hội nói chung, trong đó có cả nguồn vốn trong và ngoài nước, qua các kênh như quỹ đầu tư bất động sản, quỹ tiết kiệm,…Ngoài ra, chúng ta cũng có thêm những định chế tài chính chuyên cho ngành bất động sản, chuyên cho nhà đất,…Đặc biệt là huy động nguồn tiền dư từ trong dân”, ông Nam nhấn mạnh.
Kinh tế khó khăn, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng trở nên quyết liệt. Để bán được sản phẩm, rõ ràng doanh nghiệp buộc phải hạ thấp dần mục tiêu lợi nhuận của mình và chia sẻ lợi ích với khách hàng. Và như vậy, cơ hội được tiếp cận với các dự án BĐS giá hấp dẫn ngày càng mở ra với khách hàng.
(Theo VTCnews)
- 0
- By Admin
- 27/08/2011
- 17