Kế hoạch dài hạn nào cho thị trường BĐS?
Ông Nguyễn Thế Điệp |
- Thời gian qua, rất nhiều chính sách hỗ trợ thị trường BĐS được ban hành. Cá nhân ông kỳ vọng nhiều nhất vào chính sách nào?
Có thể nói, thị trường BĐS phụ thuộc rất nhiều vào chính sách vĩ mô. Vừa qua, Nhà nước cũng như các bộ, ngành mà đặc biệt là ngành Ngân hàng, Bộ Xây dựng đã có nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Chẳng hạn như, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng có tác động rất lớn đến tâm lý và các ngành nghề đi kèm.
Hiện, chính sách vĩ mô còn nhiều điểm cần phải tháo gỡ. Chẳng hạn như, tháo gỡ khó khăn về huy động nguồn vốn, mở rộng đối tượng huy động vốn… Nếu khơi thông được dòng vốn, đặc biệt là kiều hối, các nguồn khác thì thị trường BĐS mới có động lực.
- Nếu như các chính sách vĩ mô trước đây đưa ra thường có độ trễ và chỉ để giải quyết những vấn đề phát sinh từ thị trường. Ông đánh giá gì về sự thay đổi chính sách gần đây?
Theo tôi, về chính sách vi mô đối với thị trường BĐS cần mang tính dài hạn, bền vững, tạo lòng tin đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, việt kiều và nhà đầu tư thứ cấp. Trong khi thực tế, một số chính sách đưa ra gần đây không mang tính dài hạn.
Trong thời gian tới, theo tôi, chính sách vĩ mô phải tạo được động lực thu hút đầu tư, bởi chúng ta cần vốn. Chúng ta đã nhìn nhận chính xác, đã phân định được các phân khúc nào cần thiết cho xã hội hiện nay. Quan trọng nhất là chúng ta tác động chính sách vào thực tiễn. Bởi, bao giờ chính sách kinh tế vĩ mô cũng là “kim chỉ Nam” để phát triển kinh tế.
Đặc biệt, chúng ta phải đưa những chính sách dài hạn từ 20-30 năm trở lên. Các nhà đầu tư sẽ nhìn vào đó để đầu tư. Luật Đất đai sửa đổi cần phải có tính bền vững và lâu dài. Đây là những vấn đề quan trọng để thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
- Nhưng liệu với chính sách dài hạn, DN có theo kịp khi mà năng lực còn hạn chế?
Đối với thị trường BĐS, chúng ta cần đưa ra những luật hợp lý và lâu dài. Việc định giá phải rất khoa học. Vì tới đây, chúng ta hội nhập sẽ bỏ một loạt các loại thuế thì rõ ràng, nguồn thu quan trọng là từ BĐS, cũng như khai thác tài nguyên. Nếu chúng ta có chính sách, chiến lược tốt thì sẽ có nguồn thu lớn. Còn, chúng ta không định hình tốt chính sách thì gặp khó khăn.
Chẳng hạn như, các DN nước ngoài thường trả trước tiền thuê đất 50 năm. DN Việt Nam có nguồn vốn ít nên thường trả hàng năm. Sắp tới, nếu Nhà nước có điều chỉnh giá thuê đất lên cao, chẳng hạn từ 1-7 lần, thì chính chúng ta đánh vào DN Việt Nam. Sự cạnh tranh của DN chúng ta khi đó sẽ kém đi. Ở đây, vấn đề là chiến lược phát triển BĐS cần có tầm nhìn dài hạn, cơ quan hoạch định chính sách phải lường hết các bất lợi cho DN Việt Nam trước mắt và lâu dài.
- Một trong những chính sách quan trọng mới được ban hành vào đầu năm 2013 là Nghị quyết 02 của Chính phủ. Theo ông Nghị quyết này có tác động như thế nào đối với thị trường BĐS?
Nghị quyết 02, tôi hoàn toàn tán thành. Đây là chính sách tháo gỡ khó khăn rất lớn cho BĐS, cho các DN. Với những DN đang làm dở dang dự án, có vướng mắc về mặt thủ tục, hay với những DN đang bế tắc về tiêu thụ sản phẩm, thì đây là chính sách mang tính nền tảng để hỗ trợ DN điều chỉnh chiến lược bắt nhịp với chính sách.
Với các DN, họ được hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn ngân hàng, được các ngành cùng với chính quyền địa phương gỡ khó về thủ tục pháp lý đối với dự án chưa hoàn chỉnh... Về tiếp cận vốn ngân hàng, mặc dù không ít DN còn nợ xấu, trong tình trạng khó khăn, nhưng ngân hàng cũng có chính sách mua nợ xấu, gỡ khó cho DN. Tôi cho rằng, đây là những chính sách rất quan trọng. Có thể nói, Nghị quyết 02 đã tạo dựng lòng tin cho DN, người dân đối với chính sách.
- 0
- By Admin
- 29/05/2014
- 17