• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y: Dở dang do quá nhiều vướng mắc

Về thu hút đầu tư, chỉ có vài doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh với số vốn không quá 100 tỉ đồng. Nguyên nhân là còn nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách, đặc biệt là vốn đầu tư phát triển hạ tầng quá ít so với mục tiêu mà Chính phủ đặt ra cho Bờ Y.

KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y: Dở dang do quá nhiều vướng mắc | ảnh 1
Siêu thị miễn thuế trong Khu kinh tế Bờ Y không một người khách lai vãng.

Chưa bằng một KCN nhỏ

Theo Quyết định 225/2008/QĐ - TTg ngày 8.2.2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung phát triển KKT Bờ Y đến năm 2025, KKT này có diện tích 70.438ha, bao gồm các khu công nghiệp, khu đô thị, khu chức năng. Hiện trung tâm hành chính, trung tâm thương mại và 3 khu đô thị ở Bờ Y đã được quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2.000. Thực hiện các quy hoạch này, từ năm 2005 đến nay, ngân sách nhà nước đã đầu tư hơn 1.645 tỉ đồng cho 58 dự án hạ tầng - trong đó 27 dự án đã hoàn thành, 31 dự án đang triển khai và đã thanh toán 1.122,789 tỉ đồng.

Về hiệu quả kinh tế - xã hội, trong giai đoạn 2005 - 2010, mỗi năm có khoảng 76.000 lượt người và 14.800 phương tiện qua lại cửa khẩu quốc tế Bờ Y, kim ngạch xuất - nhập khẩu ước đạt 37 triệu USD/năm, thu ngân sách trên 51 tỉ đồng/năm... Việc hình thành KKT Bờ Y với hệ thống hạ tầng đã góp phần làm chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế của một vùng biên giới hoang vu, giúp người dân thay đổi tập quán sinh hoạt, làm ăn... Đây cũng là tiền đề nhằm đưa huyện Ngọc Hồi phát triển thành thị xã vào năm 2015 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XIV.

Tuy nhiên, hiện Bờ Y mới thu hút được 10 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký 175 tỉ đồng, vốn thực hiện chỉ khoảng 100 tỉ đồng, tổng doanh thu chỉ khoảng 6,6 tỉ đồng/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 190 lao động. Với kết quả thu hút đầu tư này, rõ ràng KKT Bờ Y chưa bằng một KCN nhỏ chứ chưa nói đến vị trí trung tâm, vai trò động lực của tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia và nhiều kỳ vọng khác.

Hơn 1.000 tỉ, nhiều hay ít?

Theo quy hoạch chung được phê duyệt, mục tiêu phát triển KKT Bờ Y đặt ra là quá lớn, thời gian thực hiện quá ngắn, vốn đầu tư không đáp ứng kịp. Theo quy hoạch thì đến năm 2025, Bờ Y phải là đô thị loại II vùng biên giới với nhiều khu công nghiệp, khu chức năng, khu đô thị hiện đại, văn minh... Để hiện thực hóa mục tiêu này, riêng giai đoạn 2011 - 2015, Bờ Y cần có hơn 79.168 tỉ đồng để xây dựng hạ tầng, nhưng vốn được cấp trong những năm qua chỉ khoảng 240 tỉ đồng/năm. Công ty phát triển hạ tầng KKT mặc dù có chức năng đầu tư, kinh doanh hạ tầng KCN và KKT, nhưng chỉ là đơn vị sự nghiệp kinh tế có thu chứ không phải doanh nghiệp. Công ty này không có vốn điều lệ, không được huy động vốn, không được thế chấp tài sản nhà nước để vay vốn mà chỉ biết trông vào ngân sách.

Ngoài ra, theo UBND tỉnh Kon Tum, chính sách phát triển KKT còn nhiều bất cập, các văn bản pháp luật chuyên ngành còn “đá” nhau, gây khó cho cơ quan quản lý lẫn nhà đầu tư. Chính sách bán hàng miễn thuế chỉ áp dụng đến năm 2012 và với mức 500.000 đồng/người/ngày là chưa đủ sức hấp dẫn. Về đất đai, ở một vùng rừng núi hoang vu như Bờ Y, quy định nhà đầu tư phải thỏa thuận đền bù với người dân cũng góp phần gây khó cho thu hút đầu tư v.v...

Theo ông Nguyễn Hữu Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum - các KKT trong cả nước có nhiều khác biệt về quy mô, vị trí, tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương. Với những KKT ở địa bàn khó khăn như Bờ Y, Chính phủ cần có quy định riêng về hỗ trợ vốn đầu tư hạ tầng, chức năng của Cty phát triển hạ tầng KKT, ưu đãi hơn về thuế, tiền thuê đất, tín dụng cho các doanh nghiệp đến đầu tư... Hơn 1.000 tỉ đồng rót vào Bờ Y tuy là số tiền không nhỏ, nhưng cũng quá ít nếu so với mục tiêu mà nó phải đạt được.

(Theo LĐO)

  • 0
  • By Admin
  • 06/09/2011
  • 17